Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư thủy điện vừa và nhỏ ở Lào Cai

NDO -

NDĐT- Sáng nay 31-5, UBND tỉnh Lào Cai và các ngành chức năng như Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên- Môi trường, Ngân hàng và lãnh đạo chính quyền các địa phương đã gặp gỡ, trao đổi với hơn 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn.

Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp thủy điện ở tỉnh Lào Cai
Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp thủy điện ở tỉnh Lào Cai

Với tiềm năng thủy điện và chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Lào Cai, hiện tại trên địa bàn có 34 nhà máy thủy điện đang hoạt động, với tổng công suất là 569 MW; 14 nhà máy đang thi công, với tổng công suất lắp máy là 247 MW; một số nhà máy đang ở khâu khảo sát lập dự án. Tổng cộng, hiện có 42 doanh nghiệp đầu tư 70 công trình thủy điện, với tổng công suất lắp máy là 1.056 MW, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu tư thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn gặp ba khó khăn, vướng mắc là: Vốn đầu tư, giá bán điện và bảo vệ môi trường sinh thái. Về vốn, với giá cả hiện nay, đầu tư tại địa bàn miền núi Lào Cai là từ 25 – 30 tỷ đồng/1MW, không kể tiền đầu tư đường dây truyền tải đến điểm đấu nối với điện quốc gia (đường dây 35kV hoặc 110kV tuỳ theo công suất của từng nhà máy). Quy định các tổ chức tín dụng chỉ cho vay tối đa 70% (trước thuế và lãi vay) phần còn lại là vốn do doanh nghiệp bỏ vào. Xây dựng một nhà máy thủy điện có công suất 30MW thì tổng mức đầu tư cũng xấp xỉ gần 1000 tỷ đồng. Chủ đầu tư phải chứng minh được vốn tự có 300 tỷ ngoài ra phải có tài sản đảm bảo khác (ngoài dự án) có giá trị tối thiểu 10% giá trị khoản vay vốn mới có thể vay được vốn của ngân hàng. Như vậy tổng cộng DN phải huy động bằng tiền mặt và tài sản tương ứng tối thiểu 40% tổng mức đầu tư. “Có lẽ đây là con số yêu cầu khá đối lớn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh sau đợt “lũ quét” về khủng hoảng và suy thoái kinh tế trong thời gian qua, chắc cũng phải mất một số năm nữa thì các doanh nghiệp mới có thể vực lại được” - ông Hà Sỹ Dinh, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển năng lượng Sơn Vũ chia sẻ.

Về giá bán điện, các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ chủ yếu ở vùng sâu vùng xa nhưng hệ thống truyền tải điện chưa đáp ứng nhu cầu đấu nối từ các nhà máy thuỷ điện. Nhiều huyện vùng cao chưa có đường dây 110 kV, điểm đấu ở quá xa, đường dây đấu nối, truyền tải dài tới gần cả trăm cây số, chi phí đấu nối . Do vậy, nhiều nhà đầu tư lo lắng khi nhà máy thủy điện hoàn thành sẽ không có đầu ra. Trong khi đó giá mua điện của ngành điện chưa phù hợp, chậm điều chỉnh.

Về bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ nguồn sinh thủy, bảo vệ môi trường sinh thái cũng gặp nhiều khó khăn, phức tạp do địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, nạn “lâm tặc” bùng phát ở một số địa phương, khó kiểm soát...

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, UBND tỉnh Lào Cai cam kết chỉ đạo các sở, ban ngành và các địa phương tích cực đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư; tạo thuận lợi nhất trong công tác giải phóng mặt bằng, cho vay vốn... Tỉnh đang đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét ban hành khung giá mua điện hợp lý để thu hút đầu tư; chỉ đạo ngành điện đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp lưới điện 220 kV, 110kV có đủ khả năng truyền tải điện từ các dự án thuỷ điện; làm việc với Tổng Công ty điện lực miền Bắc để cho các nhà đầu tư thủy điện được ứng vốn thi công đường dây phục vụ đấu nối.