Ðể đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đề nghị các huyện miền núi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ về thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo trong các cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên; đề cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo, xóa nghèo của người dân... Lãnh đạo các địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, điều tra xác định rõ nguyên nhân nghèo để có giải pháp phù hợp; phát huy vai trò của lực lượng tại cơ sở, nhất là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo chủ động tích cực vươn lên thoát nghèo. Các địa phương cần tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện khí hậu, đất đai; triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách cơ cấu lại ngành nông nghiệp và cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất trên địa bàn...
Các huyện miền núi phát huy lợi thế thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung theo quy hoạch như tinh bột sắn, tinh dầu quế, ván dăm..; thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của đồng bào dân tộc như dệt lụa, dệt thổ cẩm, đan lát, chế biến nông lâm sản. Khuyến khích thu hút các nhà máy may mặc, giày da vào địa bàn để tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân...
★ Tỉnh Quảng Trị vừa thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng hơn 8% và duy trì tốc độ này trong năm 2020.
Ðể đạt mục tiêu đề ra, tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Trước mắt, tập trung đẩy nhanh tiến độ khởi công 30 dự án, công trình trọng điểm với tổng vốn đầu tư hơn 93 nghìn tỷ đồng, trong đó có các dự án lớn như Cảng Mỹ Thủy, Nhà máy nhiệt điện 1, Nhà máy điện khí... tạo tiền đề cho sự phát triển của tỉnh đến năm 2025. Cùng với đó, khánh thành và đưa vào hoạt động chín dự án với tổng mức đầu tư hơn 4,8 nghìn tỷ đồng như dự án điện mặt trời của Công ty Licogi 13, Nhà máy điện gió Hướng Linh, Thủy điện Ðakrông 4... Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành gắn thực hiện xây dựng nông thôn mới; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao; phát triển mạnh nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm hai giai đoạn, tôm sinh thái. Ðánh giá lại các mô hình đã và đang triển khai thử nghiệm trên địa bàn để có giải pháp nhân rộng các mô hình hiệu quả, phát triển các cây, con chủ lực sản xuất theo tín hiệu của thị trường. Ưu tiên phát triển thủy sản, nhất là tôm; nhân rộng mô hình trồng rừng gỗ lớn theo chuỗi giá trị, có chứng chỉ rừng, quản lý rừng bền vững (FSC); thí điểm xây dựng mô hình “cánh đồng điện gió”.
Năm 2018, kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị có bước chuyển biến tích cực, tất cả 24 chỉ tiêu đều hoàn thành, trong đó 10 chỉ tiêu vượt kế hoạch.