Thanh Hóa quán triệt Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương

NDO -

NDĐT - Chiều 14-3, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho cán bộ các cấp trong tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Tham dự hội nghị, các đại biểu được nghe PGS, TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của QH trao đổi về tầm quan trọng, yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của QH, mong muốn đổi mới chính quyền địa phương, bảo đảm thích ứng hơn với cơ chế xã hội mới, yêu cầu phát triển mới ở các địa phương; phổ biến những vấn đề cơ bản của Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, điểm mới về tăng quyền hạn của HĐND, số lượng đại biểu chuyên trách, lần đầu tiên hình thành hai ban ở HĐND cấp xã, phường; quy định rõ trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền các cấp. Báo cáo viên cũng phân tích mục đích, phương thức thực hành quyền dân chủ, ý nghĩa của việc kiện toàn cơ quan QH, HĐND, chính quyền các cấp; lý do chỉnh sửa, bổ sung, gộp hai bộ luật bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND thành một.

Quán triệt nội dung, tinh thần lớn của Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND, PGS, TS Lê Minh Thông cũng nêu bật nét mới về tiêu chuẩn đại biểu QH, đại biểu HĐND, công bố tư cách đại biểu, rõ trách nhiệm của từng cơ quan. Theo đó, quyền hạn của Ủy ban thường vụ QH, Ủy ban bầu cử quốc gia, thường trực HĐND các cấp cũng được phân định khá cụ thể; tăng thời gian triển khai, tổ chức hoạt động bầu cử, quy định cụ thể số lượng, cơ cấu, tỷ lệ ứng cử là nữ, là người dân tộc thiểu số, bảo đảm số dư để bầu đủ đại biểu QH, HĐND các cấp. Do vậy, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải chuẩn bị tốt công tác nhân sự, bảo đảm năng lực đại biểu với cơ cấu. Báo cáo viên còn trao đổi việc luật hóa quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia, cơ quan tổ chức bầu cử, trách nhiệm nặng nề của tổ bầu cử; nét mới về quyền công dân, quyền của cử tri, nhất là người tạm giam, tạm giữ cũng được tham gia bầu cử; quy trình, các bước hiệp thương; giải quyết tố cáo, khiếu nại của công dân, quyền quyết định cuối cùng; hoạt động vận động tranh cử dân chủ, công khai, công bằng; nguyên tắc phổ thông, trực tiếp, bỏ phiếu kín; trách nhiệm của Thường trực HĐND, UBND tỉnh trong triển khai công tác bầu cử ở nơi thí điểm không thành lập HĐND cấp huyện, quận, phường.