Thành Nhà Hồ được xây dựng vào năm 1397 tại An Tôn, thuộc xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc ngày nay). Ðây là kinh đô thủ hiểm triều Hồ, công trình kỳ vĩ được người xưa sử dụng khoảng 25 nghìn m3 đá, 100 nghìn m3 đất xây, đắp nên trong ba tháng. Tháng 6-2011, Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Di sản là sản phẩm sáng tạo, thể hiện bàn tay tài hoa, trí tuệ, nghị lực phi thường của người Việt Nam; biểu hiện giao lưu quan trọng các giá trị ảnh hưởng Nho giáo; minh chứng bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kỹ thuật, quy hoạch đô thị, gắn kết với điều kiện thiên nhiên chung quanh, phát huy công năng của một công trình mang tính chất phòng vệ quân sự điển hình. Trình bày diễn văn tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nêu bật bối cảnh xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 14, sự ra đời của Thành Nhà Hồ cùng tư tưởng canh tân đất nước của Hồ Quý Ly, giá trị nổi bật của di sản ông cha để lại và quá trình nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề cử, được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Tại buổi lễ, đại diện Ủy ban UNESCO đã long trọng trao Bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ cho tỉnh Thanh Hóa.
Chung vui với đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, thay mặt Ðảng, Nhà nước Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng biểu dương tỉnh Thanh Hóa, các cơ quan T.Ư, các nhà khoa học, tổ chức liên quan đã có nhiều cố gắng trong nghiên cứu, xây dựng và bảo vệ thành công hồ sơ di sản Thành Nhà Hồ. Chủ tịch QH nhấn mạnh: Di sản được thế giới thừa nhận mở ra triển vọng phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam, nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Tự hào, vinh dự cao đồng thời đặt ra yêu cầu nghiêm túc trong thực hiện Luật Di sản văn hóa Việt Nam, Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, cùng các cam kết trách nhiệm mới với nhân loại và các thế hệ tương lai. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, chung tay trợ giúp của nhân dân cả nước, ủng hộ của quốc tế, di sản tiếp tục được bảo vệ, phát huy hiệu quả, góp phần phát huy truyền thống, bề dày lịch sử văn hóa dân tộc...
Sau phần lễ, các đại biểu và quần chúng nhân dân thưởng thức chương trình nghệ thuật có chủ đề "Thành Nhà Hồ-niềm tự hào đất Việt".
Cũng trong dịp này, tỉnh Thanh Hóa tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như, mở "Hội chợ quê", Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ 14, trò diễn dân gian thời Trần - Hồ; trưng bày cổ vật, triển lãm ảnh "Khoảnh khắc Thành Nhà Hồ", tranh cổ động "Thanh Hóa-ấn tượng một miền di sản", thi "Thiếu nữ đẹp trong trang phục dân tộc".
* Cùng ngày, tại Thanh Hóa đã diễn ra hội nghị tham vấn khu vực các quốc gia thành viên và các Ủy ban quốc gia UNESCO tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tham dự hội nghị, có Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO E.Phôn, cùng các đại biểu đến từ các quốc gia thành viên UNESCO, trong đó có lãnh đạo 34 Ủy ban quốc gia UNESCO tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hội nghị thảo luận và đề xuất ý kiến về các hoạt động ưu tiên sắp tới của UNESCO, cũng như hợp tác của các nước thành viên tổ chức này.
PV