Thắng lợi của kế hoạch Putin

ND - Kết quả cuộc bầu cử Duma quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 2-12 khẳng định thắng lợi của đảng Nước Nga Thống nhất (ER) được Tổng thống V. Putin ủng hộ.

Theo kết quả này, ER dẫn đầu với 64,1% số phiếu ủng hộ. Ðứng thứ hai là Ðảng CS Liên bang Nga (KPRF) giành được 11,6%. Tiếp đến là đảng Dân chủ Tự do (LDPR) với 8,2% và đảng Nước Nga công bằng (SR) được 7,8% số phiếu ủng hộ. Như vậy, Duma quốc gia khóa mới 450 ghế gồm bốn đảng vượt qua ngưỡng 7% số phiếu ủng hộ theo quy định mới của luật bầu cử. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này đạt tới 63%, cao hơn cuộc bầu cử nhiệm kỳ trước hồi năm 2003 (55,75%).

Từ cuối những năm 80 và trong những năm 90 của thế kỷ trước, hàng loạt rối ren chính trị-xã hội cùng với nhiều hoạt động ly khai và khủng bố đã tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của nước Nga, gây ra những tổn thất lớn cho xã hội và đau khổ cho người dân.

Ðó là một thời kỳ đen tối trong lịch sử phát triển cận đại của nước Nga khi đất nước bị rơi vào vòng xoáy hỗn loạn và suy yếu và bị bao vây bởi nhiều thế lực chống phá, không muốn thấy quốc gia hùng mạnh của thời quá khứ chưa xa hồi sinh và phát triển.

Trong bối cảnh ấy, nước Nga cần có một nhà lãnh đạo bản lĩnh, nhận biết rõ các vấn đề của đất nước và quan trọng là biết đặt lợi ích quốc gia lên trên hết để chèo lái con thuyền Nga vượt sóng dữ. Trọng trách đó được đặt lên vai ông V. Putin vào ngày cuối cùng của năm 1999.

Ngay sau khi nắm quyền lãnh đạo đất nước, Tổng thống V.Putin đã bắt đầu đưa ra và thực thi một loạt chính sách hợp lòng dân. Trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, Tổng thống Putin đã đem lại trật tự và ổn định cần thiết cho sự phát triển của nước Nga. Bất chấp những lời chỉ trích, buộc tội của phương Tây, ông Putin kiên quyết gạt bỏ mọi sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của nước Nga, toàn tâm toàn ý điều hành đất nước, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để đạt được và duy trì những thành quả về chính trị, kinh tế, xã hội.

Ðồng thời, Tổng thống Putin cải cách hệ thống bầu cử nhưng vẫn chủ trương duy trì định hướng dân chủ, hạn chế các nhân tố gây mất ổn định. Ông cũng không nương tay trấn áp các thế lực ly khai, kiên quyết làm suy yếu ảnh hưởng của các nhà tài phiệt, mạnh mẽ chỉnh đốn lại trật tự kinh tế, từng bước cải cách cơ cấu quyền lực, nhanh chóng tích lũy của cải xã hội, tăng cường quyền lực cho chính quyền trung ương, tăng cường khả năng điều tiết của chính quyền Nga, làm cho chính sách đối ngoại trở nên chủ động và linh hoạt hơn. Các lực lượng vũ trang Nga được đầu tư để củng cố sức mạnh và trở lại là công cụ đắc lực trong bảo đảm trật tự, an ninh xã hội, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Những chính sách và biện pháp đó đã phát huy tác dụng và xã hội Nga đã bắt đầu bước vào giai đoạn ổn định, nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái và liên tục đạt mức tăng trưởng từ 5% đến 7%/năm trong mấy năm gần đây. Năm 2007, Nga tiếp tục đạt được nhịp độ tăng trưởng cao và trong năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến tăng hơn 7%; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng từ 4,4 tỷ USD năm 2000 lên 13,7 tỷ USD năm 2006 và trong nửa đầu năm 2007 đã tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế Nga hội nhập hiệu quả với nền kinh tế thế giới, kim ngạch ngoại thương không ngừng tăng: năm 2000 là 150 tỷ USD, năm 2006 đã tăng gấp ba lần và năm 2007 sẽ vượt quá 550 tỷ USD; Nga nằm trong số 15 nước xuất nhập khẩu lớn nhất và trong tốp 10 nền kinh tế hàng đầu. Ðầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục tăng. Cuộc sống của các tầng lớp dân chúng Nga, ở mức độ khác nhau, đã dần được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần sau cú sốc kéo dài hơn một thập niên cuối thế kỷ 20.

Sự phát triển ổn định ở trong nước đã dần khôi phục vị thế vốn có của Nga trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, nước Nga đang đạt được nhiều thành công trên mặt trận ngoại giao. Nga đang thực hiện chính sách đối ngoại độc lập với tư thế của một cường quốc lớn và đang nỗ lực để xây dựng một thế giới đa cực. Tiếng nói của Nga về các vấn đề toàn cầu, các vấn đề khu vực hoặc các vấn đề nóng như vấn đề hạt nhân của Iran, Triều Tiên, cũng như tiến trình hòa bình Trung Ðông... ngày càng được coi trọng.

Moscow cũng kiên trì lập trường của mình về vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang rất muốn triển khai ở các nước Ðông Âu để "đối phó với mối lo ngại hạt nhân từ phía Iran". Với tiềm năng hùng mạnh về  năng lượng của mình, Nga đang trở lại tư thế "cường quốc" trong quan hệ với phương Tây.

Theo nhận định của giới phân tích, chiến thắng của ER trong cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga vừa qua đã giúp trấn an các nhà đầu tư về triển vọng duy trì đà tăng trưởng ổn định của nền kinh tế nước này. Nhà phân tích Y. Lisovolic của ngân hàng Deutsche Bank (Ðức) nhấn mạnh "dường như cuộc bầu cử này đã hoàn thành sứ mệnh quan trọng, đó là bảo đảm sự tiếp tục của chính sách và chuyển giao quyền lực diễn ra êm thấm tại Nga".

Tuy nhiên, đảng Nước Nga thống nhất làm thế nào để đáp lại lòng tin của đa số cử tri? Những thành tựu mà Nga đạt được trong phát triển kinh tế thời gian qua có giữ vững được hay không cũng là một thách thức lớn. Chiến thắng ngày hôm nay của ER mới chỉ là sự khởi đầu, chặng đường phía trước còn nhiều thử thách và chông gai, mà thách thức đầu tiên sẽ là cuộc bầu cử Tổng thống ngày 2-3-2008, tuy có nhiều dự đoán khả quan rằng, với uy tín lớn của Tổng thống Putin, chắc chắn sẽ có nhiều lá phiếu của cử tri Nga dành cho ứng cử viên được ông Putin ủng hộ.