Thăm lâu đài của hoàng gia Bulgaria

Thăm lâu đài của hoàng gia Bulgaria

Năm ngày chúng tôi ở Sofia, có tới bốn ngày mưa. Mưa dai dẳng, lê thê, gần như cả ngày. Mưa khiến thời tiết ở thủ đô của "xứ sở hoa hồng", trở nên ẩm ướt, se lạnh.

Với chúng tôi, những người lần đầu thăm Bulgaria, lâu đài Vrana là một cái tên thu hút. Ðó là lâu đài của hoàng gia Bulgaria mà ngài S.C.Gotha - người kế vị ngai vàng khi vừa tròn 6 tuổi, sau khi vua cha Boris III băng hà vào tháng 8-1943, hiện nay đang sống ở đó.

Ai cũng nôn nóng được có mặt ngay ở đó khi Ðại sứ Phạm Quốc Bảo cho hay, đây là nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những ngày nghỉ lại trong chuyến thăm Bulgaria tháng 8-1957, nghĩa là cách đây tròn 50 năm. Cơ quan đại sứ quán Việt Nam đang tích cực chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm sự kiện này; trước hết, cố gắng sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan chuyến thăm Bulgaria của Bác Hồ.

Cũng nhân dịp này, vị đại sứ có tâm hồn nghệ sĩ đã có được một thỏa thuận với Bộ Văn hóa Bulgaria mà người đứng đầu có thể coi là "người quen" đối với nhiều khán giả Việt Nam tầm tuổi trung niên, nhất là những khán giả nữ từng thổn thức trước vẻ đẹp trai của chàng tình báo Deanov trong bộ phim truyền hình nhiều tập Trên từng cây số phát trên màn ảnh nhỏ Việt Nam thuở nào, do ông thủ vai, để các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có được một triển lãm tại Sofia nhằm giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam với công chúng Bulgaria.

"Truyền thống hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Bulgaria thì đã có từ lâu, nhưng quan hệ văn hóa, kinh tế và thương mại thì chưa tương xứng" - đại sứ Phạm Quốc Bảo có vẻ sốt ruột, dù chúng tôi biết rằng, mấy năm vừa qua, trong nhiệm kỳ của mình, anh cùng Ðại sứ quán cũng đã làm được khá nhiều việc. Chẳng thế mà, cùng với những hoạt động thăm viếng, qua lại giữa các nhà lãnh đạo hai bên, kim ngạch thương mại hai nước đã gần đạt con số 30 triệu USD năm 2006. Với đà này, mức tăng trưởng sẽ nhiều hơn, nhanh hơn.

Chính vì Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến thăm lâu đài, nên khi Ðại sứ quán Việt Nam tại Bulgaria đề nghị được thăm lại lâu đài, cựu vương đồng ý ngay và chỉ thị coi đó là một việc trọng thị, cần có kế hoạch để sự kiện này được diễn ra trong bối cảnh trang nghiêm và thân thiện. Lần đó, ngài đã phải xếp lại việc trong nước, ngoài nước, việc riêng, việc chung để có thể hẹn đón khách Việt Nam.

Nhà thờ tưởng niệm thánh A.Nevsky.

16 giờ 30 phút ngày 9-8 trở thành thời điểm mong đợi của cả đoàn. Cảnh chiều người, buổi sáng, trời đã có phần tạnh ráo. Trưa, mặt trời đột ngột xuất hiện. Sofia mấy ngày vừa rồi trầm buồn trong mưa với những khu phố cổ, với vòm mái xanh của Trường đại học tổng hợp, với tông mầu bàng bạc của nhà thờ tưởng niệm thánh A.Nevsky... bỗng trở nên sáng sủa, bảnh bao mang áo mới. Ánh nắng nhuộm vàng cả những dãy đồi quanh thành phố. Mấy cây phong đối diện cửa trước đại sứ quán hớn hở trong gió nhẹ...

... Rừng, gọi là rừng mới phải, bởi ao bằng mắt và bằng thời gian xe chạy, dễ phải hàng vài chục ha. Giữa thủ đô, mênh mông một lá phổi xanh như thế này, quý quá. Cây mọc ken dày, cao vút; rất nhiều cây thân trắng thẳng tắp. Tán cây xòa gần như che khuất cả hàng rào bao quanh. Sofia, cũng như thủ đô các nước châu Âu khác, đâu hiếm các công viên um tùm cây xanh. Ngay gần đại sứ quán Việt Nam cũng có một công viên; con đường nhựa xẻ giữa đã khiến chúng tôi tưởng chừng như đi trên cánh rừng thật sự. Tuy nhiên, nguyên sinh những tầng tán dày đặc thì ở Sofia, có lẽ, chỉ đây là một. Cũng dễ hiểu, đất của hoàng gia, sao có thể xâm phạm. Trước năm 1989, khu rừng bao quanh lâu đài này cũng là một trong những vị trí được bảo vệ cẩn mật của Nhà nước Bulgaria dân chủ nhân dân bởi là nơi dành đón các nguyên thủ quốc gia trong các chuyến thăm.

Khác hẳn với những lâu đài xây dựng thời Trung cổ, do yêu cầu phòng vệ mà có phần giống các lô cốt, lâu đài Vrana được xây dựng từ năm 1912, được thiết kế kiểu Tây Âu cận đại, thanh thoát với hai tầng dưới, chưa kể tầng hầm; vòm trên các cửa ra vào, cửa sổ cong hình bán nguyệt, mềm mại,... Tường mầu vàng nhạt hài hòa với cây, cảnh chung quanh.

Cựu vương không ở lâu đài mà ở trong một khu nhà thấp, giản dị, được xây dựng trên phần đất cận phía sau. Chúng tôi xuống xe, đã thấy cựu vương và vài người khác bước ra, sang trọng, phong độ trong bộ com-plê mầu đen, sơ-mi trắng, cra-vát thẫm xanh. Không chút phí phạm thời gian, sau khi đã chào và bắt tay từng người, cựu vương dẫn khách thăm lâu đài.

Ông chầm chậm giới thiệu tỉ mỉ, chi tiết từng căn phòng, từng đồ vật: phòng khách với những chùm đèn quý, phòng làm việc của Vua cha với chiếc bàn gỗ rộng, phòng ăn với bộ đồ ăn ngót trăm năm, thư viện với nhiều cuốn sách cổ... Có lúc, ông xúc động khi chạm tay vào cánh cửa đẩy cũ còn nguyên vẹn và giải thích rằng: Thuở nhỏ, đẩy ra, đẩy vào cánh cửa này là trò chơi ngài không bao giờ chán.

Hóa ra, cựu vương còn là người hóm hỉnh. Cái sự hóm hỉnh thể hiện rõ khi ngài kể cho khách nghe rằng: Năm 1944, máy bay quân đội Anh đã ném nhiều quả bom loại 800, 500 kg vào lâu đài, làm hỏng tầng hai và phá hủy một số đồ đạc. Bom rơi vung vãi còn tạo thành nhiều hố rộng hàng chục mét vuông. Sau này, khi có dịp gặp Nữ hoàng Anh ở Luân Ðôn, cựu vương đã kể lại cho Nữ hoàng chuyện lâu đài đã bị không lực Hoàng gia Anh "bombing" như thế nào và khôi hài rằng: Bom của người Anh thật là những "món quà" quý...

Giải thích về việc sảnh sau cùng một số chỗ của tòa lâu đài bị hư hỏng, xuống cấp, cựu vương phàn nàn rằng, cái việc bảo quản tòa lâu đài xem ra thật khó, vì quá tốn kém. Và cựu vương đang có ý định sẽ chuyển lâu đài thành một trường đại học tại Sofia. Vừa qua, cựu vương đã hiến 18 ha của lâu đài cho Nhà nước Bulgaria xây dựng công viên quốc gia để phục vụ cho các mục đích công cộng.

GS, TSKH Phạm Mạnh Hùng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - trưởng đoàn công tác Việt Nam, có vẻ sốt ruột vì thời gian eo hẹp mà câu chuyện lại cứ phải vòng vo qua người phiên dịch Bulgaria. Vậy là ông nói trực tiếp với cựu vương bằng tiếng Anh và dịch lại cho cả đoàn. Tiếng Anh ư? Cựu vương người Ðông Âu, nhưng là một trí thức Tây học: Tiếng Ý - hiển nhiên, vì mẹ ông là một giai nhân người Ý. Ngoài ra, do sống nửa thế kỷ ở nhiều nước và học đại học tại Ai Cập, Pháp, Mỹ, kết hôn với một tiểu thư quý tộc Tây Ban Nha... nên ngài không chỉ tinh thông các ngôn ngữ Anh, Pháp, Ðức, Tây Ban Nha, mà còn biết cả một chút tiếng Ả-rập và Bồ Ðào Nha. Thế nên cựu vương có vẻ thích thú trước việc bớt đi một chiếc cầu ngôn ngữ để có thể trực tiếp nói chuyện bằng tiếng Anh với vị giáo sư y khoa Việt Nam.

Trước câu hỏi của giáo sư Hùng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở căn phòng nào trong bốn ngày lưu lại lâu đài, cựu vương cho biết: Ðáng tiếc là ngài chưa kịp tìm hiểu điều đó. Tuy nhiên, cựu vương cung cấp thông tin cho cơ quan sứ quán Việt Nam: Có một vị đại tá, thời đó được Nhà nước Bulgaria giao phụ trách việc phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện vẫn còn ở Bulgaria. Vị đại tá này có thể trả lời được câu hỏi đó. Và cựu vương tư lự: Hồ Chí Minh vốn giản dị, là thượng khách, nhưng rất có thể, Người đã không ở trong những căn phòng sang trọng, mà chỉ ở một trong những căn phòng bình thường của lâu đài...