Tham gia xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

NDO -

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Diệp Vinh)
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Diệp Vinh)

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội thảo.

Thực hiện Kế hoạch số 02 ngày 20/7/2021 của Ban Chỉ đạo Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" của Ban Bí thư, theo đó, giao cho Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai xây dựng hai chuyên đề. Một trong hai chuyên đề đó là "Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, các nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030.

Trong đó, các đại biểu cho rằng: Vấn đề quan trọng hàng đầu đặt ra là phải làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vị trí, vai trò, nội dung, chức năng, phương thức hoạt động của Mặt trận trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, cần đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp để phát huy vai trò của mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.

Cần tiếp tục ban hành các đạo luật với cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp các giai đoạn để đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền. Đặc biệt là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tập hợp xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn toàn tộc; đẩy mạnh các cuộc vận động phong trào thi đua yêu nước; đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân; tăng cường đồng thuận xã hội; tích cực tham gia xây dựng đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh…

Một số đại biểu kiến nghị phải có cơ chế bảo đảm để việc giám sát được thực hiện tốt ngay từ cơ sở; tránh việc thiếu giám sát trong các cơ quan nhà nước, nhất là về công tác chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực, xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ...; đồng thời, trong đánh giá thực trạng, chuyên đề phải chỉ ra những “điểm nghẽn” trong việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, từ đó đề ra giải pháp và phương hướng trong thời gian tới.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu nhấn mạnh, trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ của mình Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp phần tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cụ thể trong công tác tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia góp ý, kiến nghị với Đảng, Nhà nước (thực hiện tập hợp, tổng hợp ý kiến kiến nghị của cư tri và nhân dân, giám sát, phản biện xã hội); tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Quy định của pháp luật chưa đầy đủ, cụ thể; các nguồn lực thực hiện về cán bộ, công tác cán bộ, tài chính không bảo đảm; vai trò chủ động của Mặt trận, việc phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, các ủy viên Ủy ban, các Hội đồng tư vấn, ban tư vấn còn hạn chế; chưa có cơ chế chặt chẽ, cụ thể trong công tác khen thưởng, xử lý kỷ luật, bảo vệ người dám đấu tranh với những hành vi không đúng nhất là trong phòng, chống tham nhũng nên chưa trở thành động lực cho nhân dân... những hạn chế, bất cập này cần được khắc phục sớm nhất.

Chính bởi vậy, cần quan tâm việc xây dựng, ban hành Luật Hoạt động giám sát của nhân dân; Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật Tự quản của cộng đồng dân cư...; Nghị quyết chuyên đề của Đảng về Chiến lược đại đoàn kết dân tộc trong tình hình hình mới để thể chế hóa, cụ thể hóa phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" và vị trí, vai trò của từng chủ thể trong cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ.