Bế mạc Đại hội Thể thao người khuyết tật Châu Á lần thứ 4

Thắm đượm tình hữu nghị, hội nhập và sẻ chia

Tối 28/10, trên Sân vận động Trung tâm thể thao Olympic thành phố Hàng Châu (Trung Quốc), Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á (Asian Para Games 4) chính thức bế mạc với một chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc, thắm đượm tình hữu nghị, hội nhập và sẻ chia.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại lễ bế mạc. (Ảnh THÁI DƯƠNG)
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại lễ bế mạc. (Ảnh THÁI DƯƠNG)

Trong ngày thi đấu cuối cùng, đoàn Việt Nam giành thêm 2 Huy chương bạc (HCB), ba Huy chương đồng (HCĐ), đứng thứ 22 trên bảng xếp hạng. Đoàn Trung Quốc dẫn đầu với 214 Huy chương vàng (HCV), gấp năm lần đoàn Iran xếp thứ hai có 44 HCV. Trong nhóm Đông Nam Á, cùng với Indonesia, Thái Lan xếp thứ 6 và thứ 7, đoàn Philippines đã lọt vào tốp 10 ở vị trí thứ 9 với 10 HCV.

Tham dự lễ bế mạc Asian Para Games 4 tối qua, có đại diện lãnh đạo nước chủ nhà Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Paralympic châu Á (APC) Majid Rashed, các tổ chức thể thao người khuyết tật quốc tế và các nước cùng các tổ chức liên quan của châu lục. Với chủ đề “Bay lên những giấc mơ để gặp lại nhau”, bao gồm ba chương: “Tối nay chia tay”, “Trà cho một hành trình dài”, “Hồi tưởng nhất về Hàng Châu”, chương trình nghệ thuật chào mừng thành công của đại hội đã thật sự trở thành ngày hội của thể thao, văn hóa, âm nhạc, thơ ca và tình yêu, hướng tới sự gắn kết và các giá trị nhân văn sâu đậm.

Các tiết mục trong chương trình tập trung thể hiện những vẻ đẹp và giá trị văn hóa đặc trưng của Hàng Châu với nhiều cảm xúc dâng trào, như một lời chia tay đầm ấm trong tình đoàn kết, hữu nghị, thể hiện sự đa dạng trong thống nhất giữa các nền văn hóa. Những giá trị văn hóa đặc trưng và vẻ đẹp của Hàng Châu, Chiết Giang đã được giới thiệu qua từng tiết mục, chứa đựng trong đó những nghi thức và nghi lễ truyền thống khi chia tay bạn bè của nước chủ nhà cùng các màn múa lụa Hồ Tây, tạo ấn tượng và ký ức đẹp về thành phố Hàng Châu cũng như Trung Quốc nói chung trong những người tham dự đại hội.

Không gian sân vận động tràn ngập trong sắc màu huyền ảo, lãng mạn của thơ ca, nhạc họa và các vũ điệu uyển chuyển khi các nghệ sĩ, diễn viên cùng nhau thể hiện những áng thơ bay bổng, trữ tình trong bài thơ “Chia tay” của nhà thơ Lu Guimeng thời Đường. Đan xen giữa các tiết mục là màn trình diễn quy trình nghệ thuật pha trà và phục vụ trà, một biểu tượng của tình bạn và sự tri ân đến những người đã tham gia vào thành công của kỳ Á vận hội trên nền những giai điệu réo rắt của các khúc dân ca kết hợp âm nhạc hiện đại. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của 213 nghệ sĩ khuyết tật với mong muốn nhấn mạnh triết lý hòa nhập. Cùng với những vận động viên khuyết tật, họ cho thấy sự tự tin, nghị lực và ý chí kiên cường, vượt lên số phận.

Các vận động viên đại diện cho 3.100 vận động viên của 44 đoàn thể thao người khuyết tật các nước, vùng lãnh thổ dự đại hội đã hòa cùng các nghệ sĩ trong những tiết mục ca múa nhạc, biến sân vận động trở thành một sân khấu lớn của bản hòa tấu đa sắc màu. Trên màn hình lớn của sân vận động lần lượt giới thiệu những khoảnh khắc đáng nhớ của 6 ngày thi đấu, vinh danh những thành tích và kỷ lục nổi bật của các VĐV. Cùng với lễ hạ cờ Asian Para Games, Chủ tịch Ủy ban Paralympic châu Á

Majid Rashed đã phát biểu bế mạc đại hội, cảm ơn ban tổ chức nước chủ nhà, đồng thời khẳng định đây là một kỳ đại hội có quy mô kỷ lục, tổ chức thành công và để lại nhiều ấn tượng nhất trong lịch sử. Ông cũng cảm ơn và biểu dương các vận động viên đã thi đấu, nỗ lực giành những thành tích đỉnh cao. Nối tiếp chương trình, ông Majid Rashed cùng đại diện nước chủ nhà trao cờ Asian Para Games cho đại diện hai thành phố Aichi và Nagoya của Nhật Bản, nơi sẽ tổ chức kỳ Asian Para Games 5 năm 2026.

Trước đó, trong ngày thi đấu cuối cùng ở môn điền kinh, VĐV Phạm Nguyễn Khánh Minh đã giành HCB đầu tiên cho Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam ở nội dung chạy 400m hạng T12. Khánh Minh đã lập kỷ lục cá nhân khi về đích sau 50 giây 17, kém chút ít so với VĐV người Iran giành HCV (49 giây 60).

Sau đó, VĐV Phạm Ngọc Hiệp đoạt HCĐ ở nội dung chạy 400m hạng T11 (người khiếm thị chạy người có dẫn đường). Vô địch ở nội dung này là VĐV người Trung Quốc Di Dongdong sau khi phá kỷ lục đại hội. Như vậy, kết thúc môn điền kinh, đoàn chủ nhà Trung Quốc dẫn đầu với 46 HCV, đoàn Iran đứng thứ hai với 21 HCV còn đoàn Ấn Độ đứng thứ ba với 18 HCV. Ở khu vực Đông Nam Á, điền kinh Thái Lan dẫn đầu với 10 HCV (hạng 5 chung cuộc); Indonesia đứng thứ 2 với 5 HCV (hạng 7 chung cuộc), đoàn Malaysia giành 3 HCV (hạng 9 chung cuộc), Philippines giành 1 HCV (hạng 16). Với 1 HCB và 1 HCĐ, điền kinh Việt Nam xếp hạng 20 trong tổng số 26 đoàn giành huy chương.

Ở nội dung cờ chớp, VĐV Nguyễn Thị Hồng giành thêm 1 HCB ở nội dung V1-B2/B3. Các kỳ thủ Việt Nam còn có thêm 2 HCĐ đồng đội ở nội dung B2 và PL. Đáng tiếc nhất ở môn cờ vua là kỳ thủ Trần Thị Bích Thùy sau 6 ván đấu dẫn đầu cách biệt 0,5 điểm so với các đối thủ, nhưng bị thua ở ván cuối và không thể giành huy chương. Kết thúc môn cờ vua, đoàn Indonesia dẫn đầu với 10 HCV, đoàn Philippines thứ hai với 8 HCV và thứ ba là đoàn Iran với 4 HCV. Giành 6 HCB và 4 HCĐ, đoàn Việt Nam xếp hạng 5 chung cuộc.

Một kỳ đại hội thành công về chuyên môn với nhiều kỷ lục

Sau 6 ngày thi đấu chính thức, Asian Para Games 4 đã kết thúc và thành công rực rỡ về mặt chuyên môn. Đại hội đã ghi nhận tổng cộng 21 kỷ lục thế giới mới, 72 kỷ lục châu Á và 283 kỷ lục Á vận hội. Trong đó, riêng môn điền kinh, có 12 kỷ lục thế giới, 45 kỷ lục châu Á, 140 kỷ lục đại hội; môn cử tạ có 3 kỷ lục thế giới, 7 kỷ lục châu Á, 19 kỷ lục đại hội; môn bắn cung có 3 kỷ lục thế giới; môn bơi có 2 kỷ lục thế giới, 20 kỷ lục châu Á và 79 kỷ lục đại hội cùng 29 kỷ lục đại hội ở môn xe đạp và 10 kỷ lục đại hội, 8 lần lập lại kỷ lục đại hội ở môn bắn súng.

Đoàn chủ nhà Trung Quốc đã một lần nữa giành ngôi vô địch toàn đoàn khi giành 214/502 HCV, 167/499 HCB và 140/572 HCĐ, vượt trội so với thành tích ở kỳ đại hội trước (172 HCV, 88 HCB và 59 HCĐ). Trung Quốc đã giành gần 1/3 tổng số huy chương của đại hội (521/1.573 huy chương) nhờ sự đầu tư hiệu quả trong công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV để dẫn đầu số huy chương ở hầu hết các môn thi đấu. Cụ thể như ở môn bơi lội (56/98 HCV), điền kinh (46/141 HCV), đua xe đạp (19/30 HCV), bóng bàn (15/36 HCV), cử tạ (14/20 HCV), bắn cung (6/14 HCV), judo (5/156 HCV), đua thuyền rowing (4/5 HCV), bắn súng (4/13 HCV)….

Việc đoàn Trung Quốc vượt trội còn có nguyên nhân bởi mỗi quốc gia được tham dự tới 5 VĐV ở 1 nội dung thi đấu. Nhờ vậy mà trong rất nhiều nội dung môn bơi nước chủ nhà đã cử rất đông VĐV thi đấu và giành toàn bộ huy chương. Quy định này khiến việc giành huy chương ở môn bơi trở nên khó khăn hơn rất nhiều đối với nhiều đoàn, trong đó có đoàn Việt Nam. Thực tế, các VĐV chủ nhà vốn đã quá mạnh, như ở môn điền kinh, dù chỉ cử 3 VĐV thi đấu ở mỗi nội dung, song hầu như chỉ có thành viên của Trung Quốc giành cả 3 huy chương ở rất nhiều nội dung. Đây là bất cập cần thay đổi khi bố trí VĐV thi đấu ở đại hội thể thao châu Á và Olympic.

Asian Para Games 4 đã ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của đoàn Iran khi vươn lên giành vị trí thứ 2 với 44 HCV, trong đó riêng ở môn điền kinh các VĐV của Iran đã giành 21 HCV, ngoài ra còn giành 5 HCV môn bắn cung, 2 HCV cử tạ… Đoàn Nhật Bản cũng có bước tiến mạnh mẽ để vươn lên vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng với 42 HCV và khá bất ngờ khi môn thể thao truyền thống của Nhật Bản là judo chỉ giành duy nhất 1 HCV. Trên bảng xếp hạng huy chương, đoàn Hàn Quốc từ vị trí thứ nhì ở kỳ đại hội trước đã tụt xuống hạng 4 do giảm gần một nửa số HCV (30 chiếc so với 53 chiếc ở kỳ đại hội trước).

Tại khu vực Đông Nam Á, dù không còn là nước chủ nhà, Indonesia vẫn duy trì vị trí dẫn đầu sau khi giành 29 HCV để xếp hạng 6 chung cuộc, xếp trên đoàn Thái Lan (giành 27 HCV, hạng 7 chung cuộc).

So với kỳ đại hội trước (có 8 HCV, 8 HCB và 24 HCĐ), đoàn Việt Nam giảm đáng kể về số HCV khi chỉ giành 1 HCV, 10 HCB và 9 HCĐ. Do số HCV giảm đáng kể, Việt Nam đã tụt xuống hạng 22 và bị nhiều đoàn yếu hơn ở kỳ đại hội trước vượt qua như Philippines (giành 10 HCV, hạng 9), Malaysia (giành 7 HCV, hạng 12), Singapore (3 HCV, hạng 17).

Thắm đượm tình hữu nghị, hội nhập và sẻ chia ảnh 1