Thái Bình đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn

Gần ba năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Bình đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, đạt được bước tiến vượt bậc. Để rõ hơn những thành tựu tỉnh đạt được, phóng viên Báo Nhân Dân phỏng vấn đồng chí NGÔ ĐÔNG HẢI , Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải (thứ tư từ phải sang) khảo sát các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu Kinh tế Thái Bình.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải (thứ tư từ phải sang) khảo sát các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu Kinh tế Thái Bình.

Phóng viên: Thưa đồng chí, đã qua nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025, xin đồng chí đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong thời gian qua?

Đồng chí Ngô Đông Hải: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các ảnh hưởng bất lợi khác, Thái Bình đã quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa đẩy mạnh thực hiện toàn diện các mặt phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị, thể hiện trên một số nét chính sau:

Thứ nhất, đã dày công chuẩn bị và nhanh chóng cụ thể hóa các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội thành các chương trình, đề án, kế hoạch, quy hoạch… và quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện, trong đó đã tập trung cao độ hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh luôn nằm trong nhóm cao của khu vực: Năm 2021 tăng 7,25%, năm 2022 tăng 9,52% (đứng thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước). Năm 2021, lần đầu tiên thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 10.000 tỷ đồng; năm 2022 đạt hơn 15.000 tỷ đồng. Kinh tế của tỉnh phục hồi mạnh mẽ và có bước phát triển toàn diện, vững chắc, đồng đều ở cả 3 khu vực. Đến hết năm 2022, Thái Bình có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Sản xuất công nghiệp giữ được đà tăng trưởng hơn 15% hằng năm.

Thứ ba, Khu kinh tế Thái Bình và hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã được tỉnh ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai xây dựng hoàn thiện, đồng bộ. Nhiều công trình trọng điểm như hệ thống đường trục nội Khu kinh tế; các tuyến giao thông kết nối vùng đến Hải Phòng và các tỉnh lân cận; tuyến đường bộ ven biển... được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Năm 2022 là năm thứ ba liên tiếp Thái Bình nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ tư, công tác thu hút đầu tư được tập trung đẩy mạnh và có bước phát triển vượt bậc. Tỉnh tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều điểm nghẽn, nút thắt tồn tại từ lâu được giải quyết dứt điểm. Từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6/2023, tổng vốn đầu tư đăng ký vào tỉnh đạt hơn 33.000 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 1,5 tỷ USD, (lớn hơn giá trị thu hút của cả giai đoạn 2011-2020). Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Thái Bình vượt mốc 1.000 DN đăng ký thành lập mới.

Thứ năm, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng; đã triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, của Chính phủ và các chương trình, kế hoạch của tỉnh. Phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử" được triển khai sâu rộng, góp phần tích cực nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng. Sự thống nhất về nhận thức và hành động, tinh thần đoàn kết trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong xã hội, niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng được nâng cao.

Những thành tựu toàn diện đạt được nêu trên cho thấy đà đi lên đúng hướng của tỉnh, khẳng định hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở các cấp, các ngành. Thái Bình tiếp tục cho thấy xu thế phát triển, đồng hành cùng các tỉnh, thành phố trong khu vực và bắt nhịp cùng sự phát triển chung của đất nước. Hình ảnh, uy tín của tỉnh được cải thiện và nâng cao rõ rệt, được Trung ương và các tỉnh, thành phố đánh giá là một điểm sáng cho nỗ lực vươn lên.

Phóng viên: Qua theo dõi, tỉnh Thái Bình đang tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để thu hút các dự án đầu tư lớn. Công việc này được triển khai ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Ngô Đông Hải: Để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, ngày 5/7/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, tháng 8/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND về tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh".

Thái Bình huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đưa việc lãnh đạo công tác giải phóng mặt bằng vào chương trình công tác thường xuyên của cấp ủy và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Cùng với đó, tỉnh đã tập trung rà soát, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách; kiên trì tổ chức thực hiện với phương châm công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

Các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh luôn chú trọng công tác dân vận, kiên trì giải thích, thuyết phục nhân dân. Các địa phương như Quỳnh Phụ, Hưng Hà có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, người dân đồng thuận, trở thành phong trào tự nguyện hiến đất và tài sản, di dời nhà ở, mồ mả để xây dựng các công trình công cộng.

Điểm nhấn trong giải phóng mặt bằng phải kể đến khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái thuộc Khu kinh tế (KKT) Thái Bình, được coi là KCN trọng điểm, tiên phong của tỉnh. Chỉ trong 2 năm (2021-2022), tỉnh vừa giải phóng mặt bằng được 588,84 ha, vừa xây dựng đồng bộ hạ tầng KCN thu hút đầu tư hơn 1 tỷ USD, góp phần đưa Thái Bình lần đầu lọt tốp 10 địa phương thu hút đầu tư cao nhất cả nước.

Đơn cử như dự án lớn khác là tuyến đường bộ ven biển có tổng chiều dài hơn 43 km, cần giải phóng mặt bằng 85,83 ha đất nông nghiệp và 4,07ha đất ở. Với quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, từ tháng 8/2021 các sở, ngành và hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải đã tích cực vào cuộc, người dân đồng thuận cao. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công theo đúng kế hoạch đề ra.

Sắp tới, tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án lớn như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình (CT.08), đoạn Nam Định-Thái Bình, dự án KCN Hải Long gần 300 ha tại Tiền Hải (là KCN thứ hai trong KKT Thái Bình), dự án KCN dược-sinh học khoảng 300 ha tại Quỳnh Phụ...

Phóng viên: Để trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng, Khu kinh tế Thái Bình được xem là động lực, là kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh ở nhiệm kỳ này. Việc thực hiện chủ trương này đang diễn ra như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Ngô Đông Hải: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên có việc tập trung xây dựng, phát triển KKT Thái Bình.

KKT Thái Bình được thành lập theo Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với quy mô 30.583 ha, gồm 31 xã, thị trấn khu vực ven biển của hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Theo quy hoạch chung, KKT có năm khu chức năng chính: Trung tâm điện lực (853 ha); các khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ, KCN và cụm công nghiệp (8.020 ha); khu cảng biển và các khu bến (khoảng 500 ha); khu du lịch và dịch vụ tập trung (3.110 ha); các đô thị; khu dân cư nông thôn và nông nghiệp tập trung…

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh tập trung hoàn thiện quy hoạch của KKT một cách đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực gắn với bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, cứu hộ, cứu nạn và phòng, chống lụt bão, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển; tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách, hỗ trợ tối đa nhà đầu tư bao gồm ưu đãi về đơn giá thuê đất; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào; hỗ trợ chi phí san lấp mặt bằng; hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; hỗ trợ đào tạo lao động; hỗ trợ các thủ tục hành chính về đầu tư.

Tỉnh đã bắt tay ngay vào giải phóng mặt bằng và hoàn thành xây dựng hạ tầng một số KCN trong KKT để đón bắt làn sóng chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại của KKT đã được khẩn trương đầu tư xây dựng. Trong đó, các hệ thống đường trục nội khu kết nối các KCN - đô thị - dịch vụ và các khu chức năng trong KKT (tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.500 tỷ đồng) sẽ tạo hành lang kết nối với các tuyến giao thông chính như Quốc lộ 39, Quốc lộ 37B, tuyến đường bộ ven biển, đường tỉnh ĐT.464…

Thời gian qua, Thái Bình chủ động tiến hành hoạt động quảng bá, phối hợp với nhiều tổ chức nước ngoài xúc tiến đầu tư, giới thiệu thế mạnh và chính sách ưu đãi của tỉnh. Nhiều nhà đầu tư lớn đến nghiên cứu, quyết định lựa chọn Thái Bình là điểm đến với những dự án hàng đầu, có chất lượng, mở ra triển vọng tươi sáng để tỉnh bứt phá vươn lên, phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới đây.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.