Thách thức khi mở rộng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh

Để phát huy tối đa lợi thế tài nguyên nguồn gien đặc hữu Sâm Ngọc Linh, hai tỉnh Kon Tum, Quảng Nam đề xuất và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp nhận mở rộng chỉ dẫn địa lý. Việc mở rộng chỉ dẫn địa lý là điều kiện để các địa phương tăng sản lượng, tạo ra vùng trồng sâm Ngọc Linh tập trung, dần hình thành các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các nhà máy chế biến quy mô lớn. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích đặt ra nhiều thách thức cần được quan tâm giải quyết.

Thu hoạch hạt giống tại vườn giống gốc sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Ảnh: HOÀNG THỌ
Thu hoạch hạt giống tại vườn giống gốc sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Ảnh: HOÀNG THỌ

Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) vừa cấp Quyết định sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sâm củ Ngọc Linh. Theo đó, tỉnh Kon Tum mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý là 16.988 ha, gồm bảy xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (huyện Đăk Glei); Đăk Na, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông). Tỉnh Quảng Nam mở rộng phạm vi bảo hộ 8.933,6 ha, gồm sáu xã: Trà Nam, Trà Cang, Trà Tập, Trà Don, Trà Dơn, Trà Leng (huyện Nam Trà My). Trước đó, năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh tại phạm vi các xã: Măng Ri, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) và xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Theo quy định, điều kiện để được mở rộng chỉ dẫn địa lý là diện tích mở rộng phải bảo đảm tương đồng các điều kiện (khí hậu, thổ nhưỡng…) như vùng đã được cấp chỉ dẫn trước đó. Theo Cục Sở hữu trí tuệ, vùng sâm Ngọc Linh được bảo hộ trước đây là vùng lõi, nơi có độ cao từ 1.800 m đến 2.500 m, độ dày tầng thảm mục trồng sâm lớn hơn 18 cm, là vùng sâm có chất lượng tốt nhất và điều kiện tự nhiên phù hợp nhất với sự phát triển của cây sâm. Tuy nhiên, sâm Ngọc Linh không chỉ giới hạn trong phạm vi địa lý được bảo hộ đó, mà thực tế, vùng phân bố sâm Ngọc Linh vượt ra ngoài vùng chỉ dẫn địa lý đã được công bố, khu vực này đều nằm trong khối núi Ngọc Linh, có điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán canh tác, giống sâm... tương đồng với chỉ dẫn địa lý đã được công bố năm 2016.

Việc mở rộng chỉ dẫn địa lý là cơ hội để nâng cao sản lượng sâm, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng đồng thời đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, hộ dân trồng sâm. Giám đốc Sở KH và CN tỉnh Kon Tum Trần Thị Tuyết cho biết, để đáp ứng các yêu cầu của mở rộng chỉ dẫn địa lý, thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh công tác quảng bá, khuyếch trương chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum sẽ xây dựng hệ thống văn bản làm cơ sở cho hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý, gồm: hoạt động quản lý của tổ chức tập thể các nhà khai thác, chế biến, kinh doanh sâm Ngọc Linh; hoạt động quản lý của cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý và cơ quan kiểm soát chất lượng sản phẩm; xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ; thành lập tổ chức tập thể của tổ chức, cá nhân canh tác, khai thác, chế biến, kinh doanh sâm Ngọc Linh nhằm khuyến khích nông dân tham gia thành lập các nhóm, các HTX và hiệp hội sản xuất, kinh doanh sản phẩm, làm cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, ưu tiên xây dựng các dự án KH và CN dưới dạng Dự án sản xuất thử nghiệm đối với sâm Ngọc Linh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kinh phí ngoài ngân sách thực hiện nhiệm vụ KH và CN.

Một số chuyên gia dược liệu cho rằng, khó khăn nhất trong việc mở rộng diện tích trồng sâm là tình trạng thiếu giống. Hiện nay, nhân giống theo phương pháp nuôi cấy mô chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, chủ yếu vẫn bằng phương pháp truyền thống là gieo hạt nên số lượng cây giống hạn chế. Do đó, cần có sự khảo sát, đánh giá số diện tích trồng thực tế và sản lượng dự kiến trong điều kiện cây giống còn hạn chế như hiện nay. Nếu mở rộng chỉ dẫn địa lý mà không trồng thực chất sẽ tạo cơ hội cho sâm giả bày bán vì người tiêu dùng dễ nhầm tưởng là đã có đủ sản lượng cung ứng cho thị trường. Hoặc phát triển ồ ạt nhưng không kiểm soát được cây giống, chất lượng sản phẩm thì ảnh hưởng giá trị thương hiệu của sâm Ngọc Linh. Do vậy, để mở rộng chỉ dẫn địa lý hiệu quả, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuê đất đầu tư trồng sâm, bảo đảm các cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp được triển khai trên thực tế. Ngoài ra, cần xây dựng nhãn hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Ông Lưu Đức Thanh, Trưởng Phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) cho rằng, để chỉ dẫn địa lý được bảo vệ phát triển, hai địa phương cần bảo đảm việc kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Muốn vậy phải xây dựng cơ chế kiểm soát, có hiệp hội kiểm soát chất lượng, từng người trồng phải kiểm soát sản phẩm của mình theo đúng tiêu chí của chỉ dẫn. Cần có tổ chức độc lập đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi đem ra thị trường.

Hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp các nhà khoa học trong nước và nước ngoài có nhiều kinh nghiệm, các doanh nghiệp có tiềm năng và thế mạnh để phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành một vùng chuyên canh sản xuất với số lượng lớn. Hiện nay, các nhà khoa học trong nước đang có các đề xuất nhiệm vụ khoa học phục vụ cho Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam. Bộ KH và CN đang tổng hợp các đề xuất và sớm công bố để các nhiệm vụ được triển khai thực hiện.