Tập trung xây dựng chiến lược phục hồi đáp ứng yêu cầu bình đẳng giới

NDO -

Trưa 13/12, trong khuôn khổ Hội nghị Thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-29), Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam bắt đầu tham dự Hội nghị Nữ nghị sĩ với chủ đề “Đạt được bình đẳng giới, cách thức bảo đảm nhạy cảm giới và đáp ứng giới trong đối phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi sau đại dịch” theo hình thức trực tuyến. 

Bà Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tham dự Phiên họp Nữ nghị sĩ APPF-29. (Ảnh: Duy Linh)
Bà Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tham dự Phiên họp Nữ nghị sĩ APPF-29. (Ảnh: Duy Linh)

Hội nghị APPF-29 do Quốc hội Hàn Quốc đăng cai tổ chức, diễn ra từ ngày 13 đến 15/12 với chủ đề “Vai trò của nghị viện trong việc nâng cao khả năng tự cường trong thời kỳ hậu Covid-19”.

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao chủ đề của Hội nghị Nữ nghị sĩ; tập trung phát biểu về việc đạt được bình đẳng giới thông qua tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ; thúc đẩy ứng phó với dịch Covid-19, bảo đảm yếu tố giới và phục hồi sau đại dịch.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà nêu rõ, trong 2 năm qua, mục tiêu bình đẳng giới đã phải đối mặt với những thách thức to lớn do dịch bệnh Covid-19. Phụ nữ chiếm một nửa dân số thế giới, tuy nhiên, họ phải chịu nhiều hơn sự bất bình đẳng. 

Điều này bộc lộ nghiêm trọng hơn trong đại dịch. Phụ nữ bị mất việc làm, thu nhập, họ cũng phải chăm sóc gia đình nhiều hơn vì trẻ em học ở nhà và các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19. 

Tập trung xây dựng chiến lược phục hồi đáp ứng yêu cầu bình đẳng giới -0
 Các đại biểu thảo luận trực tuyến tại Hội nghị Nữ nghị sĩ APPF-29. (Ảnh: Duy Linh)

Có thể thấy, phụ nữ đóng vai trò tiền tuyến, chống lại virus corona, cũng như trong việc phục hồi sau đại dịch. Đây là lý do tại sao chúng ta cấp thiết lên tiếng khuyến khích hành động của Quốc hội để đạt được bình đẳng giới, bảo đảm yếu tố giới và cách tiếp cận giới trong khắc phục hậu quả đại dịch.

Bà Lê Thu Hà cho biết, trong Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Mục tiêu 5 về bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái vừa là mục tiêu, vừa là một nội dung quan trọng của Nghị quyết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững khác. 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh, các thành viên Quốc hội Việt Nam tham gia nhiều cuộc họp của Quốc hội, có các sáng kiến về bình đẳng giới, thúc đẩy lồng ghép giới, nhạy cảm giới trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Những điều này đã góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của phụ nữ trên nhiều lĩnh vực, được cộng đồng trong nước và quốc tế đánh giá cao. Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia chính trị ở Việt Nam, và việc làm tốt hơn cho phụ nữ, cơ hội tiếp cận bình đẳng hơn với tất cả các dịch vụ kinh tế, xã hội.

Tham gia Hội nghị Nữ nghị sĩ thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc phấn đấu vì bình đẳng giới, đẩy mạnh hành động của Quốc hội về vấn đề này.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại cũng đưa ra 5 đề xuất. Trong đó, Quốc hội phải tiếp tục hành động, tập trung vào các chính sách, chiến lược phục hồi, đáp ứng yêu cầu bình đẳng giới, bao gồm vận động, khởi xướng, tranh luận, ban hành, sửa đổi luật để hỗ trợ thực hiện Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, cũng như việc thực hiện SDG5 về bình đẳng giới, trao quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái. 

Nội dung nữa là rà soát ngân sách quốc gia một cách tổng thể, dành nguồn lực để giải quyết các vấn đề bình đẳng giới, thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh trong quá trình phục hồi sau Covid-19. Công việc này đòi hỏi có cách tiếp cận liên ngành và giám sát việc phân bổ ngân sách. 

Vấn đề cần được quan tâm là tăng cường sự đại diện và sự tham gia của các nữ đại biểu Quốc hội nhằm thúc đẩy sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ trong quá trình ra quyết định của Quốc hội; pháp luật phải đáp ứng vấn đề về giới; giám sát hành động của Chính phủ đối với đại dịch từ góc độ giới.

Kiến nghị thời gian tới cần tăng cường hợp tác nghị viện với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), các tổ chức quốc tế và giữa các thành viên APPF để chia sẻ kinh nghiệm và bài học nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, cách tiếp cận nhạy cảm giới và phản ứng với giới để ứng phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi sau đại dịch.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại cũng cho rằng, cần khuyến khích xây dựng kiến thức và hiểu biết chung giữa các đại biểu Quốc hội từ các quốc gia khác nhau về tác động của Covid-19 đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Việt Nam nằm trong nhóm các nước có khuôn khổ pháp lý khá đồng bộ về bình đẳng giới, thông qua Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, các luật khác có liên quan và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Việt Nam còn thực hiện đổi mới kế hoạch hành động quốc gia cho người Việt Nam, vì sự tiến bộ của phụ nữ. 

Việt Nam đã tham gia vào các cam kết quốc tế về bình đẳng giới bao gồm Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Tuyên bố Bắc Kinh, Cương lĩnh hành động, Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) và Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

(Theo báo cáo của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội)