Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Tạo thuận lợi tối đa, bảo đảm quyền tự do đầu tư, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp

Sáng 19-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo rà soát, xây dựng Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh (ÐT-KD); Danh mục ngành, nghề ÐT-KD có điều kiện và Danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Dự thảo Luật Ðầu tư (sửa đổi) và Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành. Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành. Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN)

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT), về Danh mục ngành, nghề cấm ÐT-KD, qua rà soát cho thấy hiện có 51 ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm ÐT-KD và Bộ đã đề xuất Danh mục chỉ còn tám ngành, nghề cấm ÐT-KD. Về Danh mục lĩnh vực, ngành, nghề ÐT-KD có điều kiện, kết quả rà soát cho thấy toàn bộ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh được quy định tại 391 văn bản pháp luật (gồm 56 Luật, 8 Pháp lệnh, 115 Nghị định, 176 Thông tư, 26 Quyết định của Bộ trưởng và hai văn bản của Bộ) với 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước (QLNN) của 16 bộ, ngành. Từ kết quả rà soát và đánh giá, Bộ KH và ÐT đề xuất bãi bỏ một số ngành, nghề ÐT-KD có điều kiện không còn cần thiết; bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không rõ ràng, không cụ thể; chuyển một số điều kiện kinh doanh từ hình thức cấp Giấy phép sang áp dụng hình thức tự đăng ký thực hiện. Theo đó, kết quả rà soát sơ bộ cho thấy có khoảng 15% số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có thể bãi bỏ (bãi bỏ 56 trong số 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện).

Tại cuộc họp, các ý kiến tập trung phân tích và đề nghị các bộ, ngành cần phối hợp để tiếp tục rà soát, bảo đảm chất lượng của Danh mục đề xuất và tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn, vừa bảo đảm quyền tự do ÐT-KD của người dân và DN đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN. Mặt khác, quy định cũng phải bảo đảm sự linh hoạt cũng như lường định, xử lý được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cuộc sống vốn hết sức phong phú, đa dạng và luôn vận động, phát triển.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Theo tinh thần của Hiến pháp và quy định về quyền tự do kinh doanh của người dân trong Hiến pháp, việc hạn chế quyền công dân phải được quy định cụ thể trong luật. Ðây là một yêu cầu hết sức quan trọng nhằm thực hiện nguyên tắc DN, người dân được quyền tự do thực hiện hoạt động ÐT-KD trong tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Thủ tướng yêu cầu Bộ KH và ÐT tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo các Danh mục bảo đảm chất lượng, khả thi để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ họp tới. Việc xây dựng Danh mục và những quy định đặt ra phải nhằm đạt mục tiêu cao nhất là bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và DN, phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả QLNN, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch, hạn chế sự tùy tiện, nhũng nhiễu và phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Thủ tướng cho rằng, QLNN không phải là giành thuận lợi cho chúng ta mà quản lý để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp ÐT-KD.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành có trách nhiệm, khẩn trương, tiếp tục và chủ động rà soát các ngành, nghề ÐT-KD bị hạn chế hoặc phải có điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mình quản lý để bãi bỏ nếu đã lạc hậu, không còn phù hợp thực tiễn, không còn cần thiết cho mục tiêu QLNN; hoặc bổ sung ngành, nghề ÐT-KD vào Danh mục hạn chế hoặc phải có điều kiện kinh doanh nếu thấy nhất thiết phải quản lý. Mặt khác, phải tiếp tục rà soát Danh mục để giảm bớt các điều kiện không cần thiết hoặc chỉ công bố để hậu kiểm. Thủ tướng lưu ý việc rà soát để bãi bỏ hoặc bổ sung phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp thực tiễn cuộc sống; phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết hội nhập; bao quát và bảo đảm xử lý được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, những vấn đề mới, đòi hỏi mới mà cuộc sống đặt ra.

Về Danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Dự thảo Luật Ðầu tư (sửa đổi) và Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng nhất trí với đề xuất không ưu đãi đầu tư đối với các ngành, nghề khai thác tài nguyên, khoáng sản và khoảng 40 ngành, nghề, sản phẩm, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dù các ngành, nghề này đầu tư ở địa bàn ưu đãi đầu tư; đồng thời chính sách ưu đãi về ngành, nghề, địa bàn đầu tư sẽ do Chính phủ quy định chi tiết...