Ngày 18/10, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội thảo về đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố. Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chủ trì.
Phát biểu đề dẫn khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, hoạt động tự quản của nhân dân luôn là vấn đề được quan tâm tổ chức thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tổ chức hoạt động tự quản chính là hình thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia quản lý xã hội. Từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó Nhân dân trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ở nước ta hiện nay chưa có nghiên cứu toàn diện dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn đề hoạt động tự quản, chưa có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc về tổ chức xây dựng và phát huy vai trò của các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.
Nhiều mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư được thành lập từ các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và tổ chức khác trong hệ thống chính trị triển khai, đang có sự trùng lắp về nội dung hoạt động; trên cùng một địa bàn nhiều mô hình, nhiều chủ thể tham gia hoặc một chủ thể tham gia nhiều mô hình do đó hiệu quả, chất lượng chưa cao, hoạt động còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ ngân sách.
Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố trên phạm vi cả nước; các tỉnh, thành ủy sơ kết và tiếp tục thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai nghiên cứu xây dựng đề án.
Trên cơ sở dự thảo nội dung của đề án, các đại biểu tham dự đã cùng thảo luận, trao đổi để nhằm bổ sung thêm những căn cứ lý luận và thực tiễn để xây dựng các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố; đánh giá làm rõ những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân trong tổ chức thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư giai đoạn hiện nay; xây dựng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của mô hình tự quản; mối quan hệ mô hình tự quản với các chủ thể ở thôn, tổ dân phố.
Trong đó, các đại biểu cho rằng có 3 nguyên tắc quan trọng để thực hiện các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.
Theo đó, các mô hình tự quản cần bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm; bảo đảm dân chủ, công khai minh bạch và đoàn kết và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, hương ước, quy ước. Hoạt động tự quản chính là phát huy và khuyến khích nhân dân phát huy tất cả những ý nguyện của nhân dân, thông qua hoạt động này sẽ gắn bó Đảng, Nhà nước với nhân dân, phát huy vai trò của người dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước ngay từ cơ sở.
Đối với hoạt động của các mô hình tự quản phải có sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và trực tiếp là sự lãnh đạo của UBND cấp xã. Việc hình thành các mô hình tự quản phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và mang lại lợi ích cho nhân dân để người nhân đồng thuận hưởng ứng. Trong hoạt động của các mô hình cần có sự triển khai bài bản, cụ thể, xác định đoàn thể nào phụ trách, chủ trì thực hiện để tránh sự chồng chéo….
Các đại biểu đã đề xuất nhiều nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình tự quản góp phần giúp cấp ủy đảng, chính quyền ở cơ sở nâng cao chất lượng quản lý xã hội.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, đồng chí Đỗ Văn Chiến cho biết, Ban Bí thư đã giao Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan để xây dựng Đề án; đồng thời Ban Bí thư sẽ căn cứ vào kết luận của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương và các cơ quan chức năng để ban hành kết luận theo đúng tinh thần mô hình tự quản do nhân dân, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đáp ứng những nhu cầu chính đáng và phục vụ nhân dân là chính.
Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần kết hợp các ý kiến đã góp ý cùng với quá trình xây dựng các văn kiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để đề xuất, làm sâu sắc hơn quan điểm, nguyên tắc tổ chức hoạt động, phương thức quản lý của mô hình tự quản theo hướng xuất phát từ mong muốn của nhân dân, phục vụ trực tiếp cho đời sống người dân.
Cùng với đó, các giải pháp thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy dân chủ đi đôi với kỷ cương; các nguyên tắc tự nguyện, tự quản cần phát huy tối đa cao nhất dân chủ của người dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân trong triển khai các mô hình tự quản nhưng phải bảo đảm có sự quản lý của Nhà nước.