Việt Nam cũng cần nhanh chóng xây dựng những cơ chế thuận lợi và phù hợp nhằm đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới thân thiện môi trường trong ngành sản xuất ô-tô.
Việc phát triển các dòng xe thân thiện môi trường đã trở thành xu hướng hiện tại của nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, Chính phủ nhiều nước đã đưa ra những quy định và chính sách để thúc đẩy sự phát triển của các dòng xe thân thiện môi trường, thông qua việc đưa ra những điều kiện có lợi cho các đơn vị sản xuất. Nhờ đó, các cơ chế, chính sách này có được hiệu quả trong thực tiễn, đồng thời thúc đẩy người dân tiếp cận và sử dụng những dòng xe này. Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, ngành công nghiệp ô-tô tại Việt Nam đang ngày càng phát triển, có tác động lan tỏa, kích thích sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Dự báo vào năm 2025, nhu cầu từ thị trường trong nước có thể lên đến 600 nghìn xe/năm, thì cũng dẫn tới hệ lụy là lượng khí thải sẽ không phải nhỏ.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với định hướng tập trung vào phát triển các dòng xe con thân thiện môi trường gồm các loại xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện môi trường và giá cả phù hợp như: xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học… có thể đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải. Tuy nhiên, việc lựa chọn dòng xe phù hợp nhất để khuyến khích, tăng các ưu đãi lại phụ thuộc cơ sở hạ tầng và định hướng phát triển tại mỗi quốc gia. Chẳng hạn, những quốc gia nằm trong khu vực Đông - Nam Á, trong đó có Việt Nam, việc lưu thông các loại xe chạy hoàn toàn bằng điện hay loại xe hybrid sạc bằng nguồn điện dân dụng sẽ là một thử thách lớn bởi loại xe này phụ thuộc vào các trạm sạc điện được bố trí trên mạng lưới đường bộ. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, dòng xe hybrid loại không sử dụng bộ cắm sạc bên ngoài là một giải pháp hợp lý, đang được nhiều đơn vị sản xuất ô-tô quan tâm và hướng các nghiên cứu tập trung vào dòng xe này.
Thực tế, mặc dù có nhiều doanh nghiệp muốn phát triển dòng xe thân thiện môi trường tại Việt Nam, nhưng lại gặp vướng mắc vì không có những hướng dẫn, quy định cụ thể. Đó là việc Luật sửa đổi, bổ sung của một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế đã cho phép xe thân thiện môi trường như ô-tô chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện, năng lượng sinh học, với tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng thì được áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ bằng 70% mức thuế áp dụng cho xe cùng loại. Nhưng một số đơn vị thực thi lại cho rằng, sử dụng năng lượng điện là phải có máy sạc điện, hoặc truy xuất nguồn điện từ chỗ nào… đã gây ra vướng mắc cho doanh nghiệp.
Theo Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Bùi Thanh Tùng, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích, phát triển dòng xe thân thiện môi trường đã có từ lâu, tuy nhiên, thực tế số lượng dòng xe này vẫn còn thấp tại Việt Nam. Nguyên nhân là do các bộ, ngành chưa có sự thống nhất về khái niệm các loại xe thân thiện với môi trường, các tiêu chí đánh giá, cho nên khó áp dụng. Theo một số chuyên gia, công nghệ thay đổi không ngừng, cho nên chính sách ưu đãi trong luật không nên quy định một loại xe hay một loại công nghệ cụ thể nào mà cần sử dụng thuật ngữ có tính khái quát, áp dụng đối với nhiều loại phương tiện khác nhau. Quan trọng nhất là phải có quy định về xác định mức độ phát thải của phương tiện, đánh giá mức độ thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn phát thải khí thải, mức tiêu hao năng lượng làm căn cứ để xác định các mức ưu đãi. Qua đó, cần xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế như đánh giá tác động theo hướng các ưu đãi có làm giảm giá thành sản phẩm, mở rộng nguồn cung, khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm là dòng xe thân thiện môi trường.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, Việt Nam đã có đầy đủ những cơ chế, chính sách ưu đãi cho dòng xe thân thiện môi trường, nhưng nhiều cơ chế, chính sách vẫn chưa đi vào thực tế. Cần xây dựng lộ trình phát triển dần dòng xe thân thiện môi trường phù hợp đà tăng nhanh về số lượng ô-tô tại Việt Nam. Nếu để tình trạng số lượng ô-tô phát triển nhiều mới tính đến việc phát triển các dòng xe thân thiện môi trường thì sẽ bị lặp lại vướng mắc hiện nay của các nước phát triển, đó là dòng xe cũ chiếm tỷ trọng quá lớn. Do đó, việc tạo cơ chế, khuyến khích sử dụng dòng xe thân thiện môi trường sẽ khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, người dân sử dụng và Nhà nước được hưởng lợi do quá trình vận hành giảm khói bụi, khí thải.