Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) ra tuyên bố khẳng định sự cần thiết của nỗ lực toàn cầu giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, với trọng tâm là hỗ trợ các nước nghèo. Dự báo, đến năm 2030, các nước đang phát triển cần tới 300 tỷ USD để thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu.
Cùng ngày, trong thư ngỏ, Liên minh các Giám đốc điều hành vì khí hậu, gồm lãnh đạo của 91 công ty lớn trên thế giới, đã kêu gọi Hội nghị COP26 loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và phối hợp với doanh nghiệp để đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0. Tổ chức này kêu gọi các chính phủ cam kết giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng vào năm 2050.
Tham gia chương trình Thử thách khí hậu của Bloomberg American Cities, 25 thành phố lớn của Mỹ đang trên đà giảm tổng mức phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống 32% vào năm 2025, vượt các mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Theo đó, 25 thành phố này dự kiến sẽ giảm 74 triệu tấn khí thải các-bon cho đến năm 2030.
Quốc hội liên bang Bỉ trở thành nghị viện đầu tiên ở châu Âu coi hủy hoại môi trường là tội ác, khi thông qua nghị quyết về phạt hình sự đối với các hành vi hủy diệt môi trường, cả trên phạm vi quốc gia lẫn quốc tế.
Ngày 29/10, Chính phủ Nam Phi thông báo đầu tư khoảng 3,3 tỷ USD vào 25 dự án điện gió và điện mặt trời trong nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch và thúc đẩy sản xuất.
Theo báo cáo của tổ chức Tuyên bố New York về rừng (NYDF), được hơn 200 quốc gia, doanh nghiệp và tổ chức ủng hộ, để thực hiện mục tiêu giảm phát thải và bảo vệ môi trường, ước tính thế giới cần đầu tư khoảng 460 tỷ USD mỗi năm để ngăn chặn tình trạng mất rừng và phục hồi rừng. Tuy nhiên, ngân sách các nước dành cho vấn đề này vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Theo NYDF, cam kết ngăn chặn tình trạng phá rừng trước năm 2030 khó có thể đạt được.