Thành phố Cần Thơ, trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm đầu tư gần 1.200 tỷ đồng, chiếm hơn 20% chi ngân sách của thành phố để xây dựng cơ sở vật chất, trường, lớp đạt chuẩn quốc gia.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ Trần Thanh Bình cho biết, hiện tại Cần Thơ có 342 trong số 447 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ hơn 76%. Mạng lưới trường, lớp không ngừng hoàn thiện và mở rộng từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, trong đó, bậc mầm non hiện có 176 trường, tăng 51 trường so với trước đây, đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân.
Trong hai năm 2021 và 2022, tỉnh Cà Mau đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp ở các cấp học. Nhờ vậy, số phòng học kiên cố tăng lên, trường đạt chuẩn quốc gia cũng tăng theo. Hiện tại tỉnh có 68% trường đạt chuẩn quốc gia, tăng gần 20% so với 5 năm trước.
Tuy vậy, số trường đạt chuẩn quốc gia của Cà Mau vẫn còn thấp so với nhiều địa phương trong khu vực, trong đó, cấp trung học phổ thông chỉ mới đạt 9,3%. Một số nơi thiếu phòng học để triển khai dạy hai buổi/ngày, thiếu phòng chức năng, phòng học bộ môn; một số thiết bị dạy học các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và lớp 10 chưa được trang bị kịp thời.
Còn tỉnh Trà Vinh hiện có 174 trong số 434 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ hơn 36%, số phòng học kiên cố đạt hơn 80%. Do địa bàn rộng, chia cắt, nhiều điểm học lẻ nên đã ảnh hưởng đến việc đầu tư trường đạt chuẩn và chất lượng giáo dục…
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long ở cấp mầm non đạt hơn 54%, cao hơn bình quân cả nước (hơn 51%). Tuy nhiên, cấp tiểu học, trung học cơ sở đạt thấp (tỷ lệ hơn 60%) so với bình quân cả nước (68%).
Trường đạt chuẩn quốc gia cấp trung học phổ thông đạt 37%, cao hơn mức bình quân cả nước (36%). Mặc dù tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia xếp thứ bốn trong sáu vùng trong cả nước, nhưng tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của vùng này xếp thứ hai cho thấy chất lượng giáo dục đã tăng lên, không còn là “vùng trũng” về giáo dục của cả nước.
Thực tế cho thấy, giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của vùng chỉ mới đáp ứng yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Nhiều đơn vị chưa đủ phòng học để tổ chức dạy hai buổi/ngày, nhất là cấp học mầm non, một số phòng phải mượn từ cơ sở giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.
Ngân sách đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tỷ lệ huy động học sinh các cấp học đến trường hiện vẫn còn thấp. Mạng lưới trường, lớp tuy được quy hoạch, điều chỉnh nhưng chưa thật sự hợp lý, còn nhiều điểm học lẻ dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, điều chỉnh và đầu tư phát triển.
10 năm qua, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đầu tư hơn 66 nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, chủ yếu từ nguồn thu xổ số kiến thiết. Bình quân, mỗi tỉnh, thành phố chi đầu tư hơn 500 tỷ đồng/năm cho công tác này, bằng khoảng 13,5% tổng chi ngân sách địa phương, chưa đạt tỷ lệ 20% theo Nghị quyết của Quốc hội. Riêng ngân sách trung ương hỗ trợ trong 10 năm qua từ các chương trình mục tiêu quốc gia chỉ hơn 3.500 tỷ đồng, rất thấp so với nhu cầu.
Từ thực tế nêu trên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy nhanh chương trình kiên cố hóa trường, lớp, nhất là xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, theo tinh thần Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Trong đó, quy định tỷ lệ hợp lý ngân sách trung ương đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cùng ngân sách của các địa phương để đẩy nhanh quá trình này. Hiện nay, chi ngân sách cho giáo dục tại các địa phương trong vùng phần nhiều là chi thường xuyên để trả lương, phụ cấp cho giáo viên, còn chi đầu tư phát triển cơ sở vật chất không nhiều.
Tại hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn 2045 tổ chức tại thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch tổng thể trong phát triển giáo dục của vùng, trong đó, yêu cầu cấp bách là kiên cố hóa trường lớp, trang thiết bị, phòng học bộ môn. Các địa phương trong vùng cần tăng cường phối hợp các bộ, ngành có giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế, tăng đầu tư cho giáo dục. Một số địa phương đã chi hơn 20% ngân sách cho giáo dục nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Năm học 2023-2024, đổi mới giáo dục phổ thông là trọng tâm cho nên cần đầu tư để đạt hiệu quả cao nhất. Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định cần có đột phá về thể chế phát triển giáo dục; đẩy mạnh chương trình kiên cố hóa, đầu tư cơ sở vật chất, trường đạt chuẩn quốc gia; hỗ trợ phát triển giáo dục đại học, đào tạo nhân lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới…
Vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có gần 93.000 phòng học các cấp; trong đó, số phòng học kiên cố là 75.746, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 81,5%. Cụ thể như sau: - Bậc mầm non: Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp 0,97; tỷ lệ kiên cố hóa 72,4%; sĩ số học sinh trung bình/lớp là 22,77 học sinh. - Bậc tiểu học: Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp 0,94; tỷ lệ kiên cố hóa 77,4%; sĩ số học sinh trung bình/lớp là 29,94 học sinh. - Bậc trung học cơ sở: Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp 0,73; tỷ lệ kiên cố hóa 91,4%; sĩ số học sinh trung bình/lớp là 37,40 học sinh. - Bậc trung học phổ thông: Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp 0,96; tỷ lệ kiên cố hóa 95,2%; sĩ số học sinh trung bình/lớp là 39,8 học sinh. Như vậy, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn bình quân chung cả nước. Riêng về tỷ lệ phòng học/lớp đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đã đáp ứng yêu cầu (tối thiểu 0,6). |