Tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhà nước

NDO -

NDĐT – Vừa qua, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhà nước. Nhiều vấn đề nóng được dư luận quan tâm như dự án đầu tư “đội vốn”, giải ngân dự án công chậm đã được giải đáp.

Lý giải nguyên nhân nhiều dự án đầu tư bị "đội vốn" nhiều lần so với mức đầu tư được phê duyệt ban đầu, trách nhiệm và giải pháp, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định, đối với dự án đầu tư công, người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương là người quyết định đầu tư. Do vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt điều chỉnh.

Bên cạnh đó, các vấn đề quan trọng như minh bạch trong thu chi ngân sách; tăng cường việc giám sát ngân sách của cộng đồng; tình trạng lãng phí trong chi NSNN; khoán xe công và quản lý trụ sở… cũng được Bộ Tài chính giải trình với báo chí trong buổi họp báo chuyên đề. Riêng tình hình thu, chi ngân sách bốn tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách ước đạt 446,4 nghìn tỷ đồng, tổng chi khoảng 410 nghìn tỷ đồng, trong đó, chi thường xuyên chiếm tới 73,5% tổng chi.

Theo các chuyên gia kinh tế, bức tranh chi bốn tháng đầu năm nay khá “tối” khi chi thường xuyên, trả nợ lãi tăng, trong khi chi đầu tư lại giảm so với cùng kỳ. Nếu so chi thường xuyên tức là chi cho lương, cho hoạt động của bộ máy nhà nước với tổng số thu thì chi thường xuyên chiếm 66% tổng thu. Hay nói cách khác là thu được ba đồng thì tiêu hai đồng, số còn lại để chi trả nợ vay và chi đầu tư.

Về dự toán chi NSNN, năm 2018, cơ cấu chi đầu tư phát triển chiếm 26,2%, chi trả nợ lãi chiếm 7,39%, chi thường xuyên chiếm 61,76%. Theo thông lệ, những tháng đầu năm chi ĐTPT thường chậm (do các bộ, ngành, địa phương đang trong quá trình triển khai phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư cho các chủ đầu tư, đồng thời ảnh hưởng của Tết Nguyên đán); chi thường xuyên (thanh toán lương, phụ cấp, trợ cấp xã hội và chi phục vụ hoạt động của các cơ quan đơn vị...) tương đối đều trong năm; chi trả nợ lãi theo tiến độ của các khoản nợ đến hạn.

Qua kết quả thực hiện bốn tháng, diễn biến chi thường xuyên đạt 32,1%, tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước là phù hợp với dự toán và thực tế triển khai nhiệm vụ của các đơn vị sử dụng ngân sách. Trong thực tế, cơ cấu chi thường xuyên, chi hoạt động các cơ quan QLNN, đảng, đoàn thể chiếm khoảng 14,47%, còn lại là chi phát triển các sự nghiệp y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đây là các lĩnh vực chi ưu tiên theo Nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, tiến độ chi ĐTPT bốn tháng đạt 16,3% dự toán, giảm 5,2% so cùng kỳ là vấn đề đáng lo ngại, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Bộ Tài chính cũng cho biết, tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách vẫn còn là vấn đề xã hội bức xúc. Ngoài nguyên nhân do hệ thống chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn bất cập, thì còn do vấn đề về nhận thức, chưa có tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm kinh phí NSNN, tài sản công. Xu hướng trao quyền chủ động, tự chủ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quản lý sử dụng NSNN và tài sản công sẽ tiếp tục được triển khai, nhưng đi kèm theo đó là yêu cầu trách nhiệm quản lý, trách nhiệm giải trình cao hơn từ thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương và từng cán bộ, công chức trực tiếp có liên quan. Đồng thời, vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của các cơ quan dân cử và của người dân đối với việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước cũng cần phải được tăng cường.

Bộ Tài chính cũng khẳng định, để tạo điều kiện cho việc giám sát, Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn đã bổ sung thêm các quy định về trách nhiệm thực hiện công khai NSNN, từ khâu dự toán, đến khâu tổ chức điều hành và quyết toán NSNN ở tất cả các cấp ngân sách và các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN...