Giám sát chất lượng hoạt động của các cơ quan T.Ư
Đầu giờ buổi sáng, các đại biểu QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2016, với 87,47% số đại biểu tán thành. Theo Nghị quyết, năm 2016, QH tiến hành giám sát tối cao với các nội dung cụ thể như sau: Tại Kỳ họp thứ 11, QH xem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2016; xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XIII của QH, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ QH, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước; xem xét, thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII.
Tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV, xem xét, thảo luận báo cáo về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2016; xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu QH nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021.
Tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV, xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; xem xét, thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII và kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH; giám sát chuyên đề Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Bảo đảm lợi ích người dân khi xây dựng danh mục phí, lệ phí
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận về dự án Luật Phí, lệ phí.
Nhiều ý kiến phát biểu tán thành với việc nâng Pháp lệnh phí và lệ phí lên thành Luật Phí, lệ phí nhằm khắc phục những vướng mắc hiện nay, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Nhiều ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Theo đó, Luật Phí, lệ phí chỉ quy định đối với khoản thu phí, lệ phí thuộc dịch vụ công do cơ quan nhà nước thực hiện, không điều chỉnh đối với các khoản phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện. Các dịch vụ được thực hiện bởi các tổ chức và cá nhân sẽ được áp dụng theo cơ chế giá dịch vụ nhằm đẩy mạnh xã hội hóa và phù hợp với thông lệ quốc tế. Một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm các loại phí như học phí, viện phí vào dự thảo luật nhằm tạo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, việc đưa học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật với lý do những loại phí này đã được quy định tại các luật khác và theo cơ chế giá của thị trường là không phù hợp và mâu thuẫn với quy định đưa một số loại phí đã được quy định ở luật khác như phí công chứng, phí bay qua vùng trời vào luật này với lý do là để thống nhất đưa về một mối. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Luật Phí, lệ phí không điều chỉnh học phí, viện phí và chuyển những loại phí này sang cơ chế giá là phù hợp.
Đề cập các nội dung liên quan phân loại phí và lệ phí, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ hơn nữa những căn cứ để phân loại, đồng thời rà soát lại tất cả các loại phí, lệ phí, làm rõ khái niệm giá dịch vụ, phí, lệ phí; xác định rõ đối tượng điều chỉnh, các đối tượng trong và ngoài công lập; làm rõ về nội hàm của từng loại phí, lệ phí.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, luật không chỉ công khai minh bạch trong chính sách phí, lệ phí mà còn phải quan tâm tới tính công bằng, giải quyết hài hòa giữa quyền lợi của người dân và Nhà nước, tránh tình trạng khi cung cấp dịch vụ là nghĩ ngay tới chuyện thu phí, lệ phí. Một số ý kiến đề nghị, bổ sung nguyên tắc thu nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí là bảo đảm thu hợp lý, thu đúng, đủ, công khai, minh bạch và thống nhất trong quản lý, sử dụng, đồng thời bảo đảm phân bổ và sử dụng hợp lý, quản lý thống nhất, quy định rõ trách nhiệm của từng cấp quyết định thu, sử dụng nguồn phí, lệ phí; bảo đảm công khai minh bạch.
* Bãi nhiệm tư cách Đại biểu QH đối với bà Châu Thị Thu Nga: Trong phiên họp buổi chiều, sau khi nghe và thảo luận Báo cáo kết quả thảo luận ở các Đoàn đại biểu QH về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu QH đối với bà Châu Thị Thu Nga, thuộc Đoàn Đại biểu QH Hà Nội, QH tiến hành bỏ phiếu về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu QH đối với bà Châu Thị Thu Nga.
Cuối giờ chiều, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của QH về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu QH đối với bà Châu Thị Thu Nga với đa số phiếu tán thành.
Cần xác định nguyên tắc, phân cấp rõ ràng, cụ thể, danh mục phí, lệ phí nào do Chính phủ quy định, loại nào do Chính phủ phân cấp cho các bộ, ngành và chính quyền địa phương quy định.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn):
Việc thu phí, lệ phí phải bảo đảm hợp lý khoản mục thu, mức thu nộp, bảo đảm thu đúng, thu đủ, tránh tình trạng tận thu, lạm thu.
Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế):
Chúng ta còn lúng túng trong việc định nghĩa khái niệm về lệ phí nên dẫn đến nhiều loại phí, lệ phí chồng lên nhau.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định):
Cần quy định rõ việc miễn, giảm phí, lệ phí đối với từng nhóm đối tượng cụ thể. Điều này không chỉ bảo đảm tính công bằng mà còn góp phần giữ ổn định trật tự xã hội.