Tăng bội chi ngân sách tối đa 240 nghìn tỷ đồng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

NDO -

Quốc hội cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng) để có nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: Khoa Linh)
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: Khoa Linh)

Chiều 11/1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, với 424/426 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 84,97% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nghị quyết gồm 8 điều, đặt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm đặt ra cho giai đoạn 2021-2025; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Về chính sách tài khóa, Quốc hội nhất trí giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt...

Đồng thời, cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

Nghị quyết cũng quy định tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023, trong đó bố trí tối đa 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng…; hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi.

Tăng bội chi ngân sách tối đa 240 nghìn tỷ đồng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội -0
 Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: V.T)

Về chính sách tiền tệ, Quốc hội xác định tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, sử dụng tối đa 46 nghìn tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cần thiết.

Nghị quyết nêu rõ, để có nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ chương trình, cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023, bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng). Phát hành trái phiếu Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ và bảo đảm các cân đối lớn. Vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ cân đối ngân sách.

Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương ban hành các giải pháp để thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật để thực hiện Chương trình; hướng dẫn tổ chức thực hiện các cơ chế quy định tại Điều 5 của Nghị quyết này gắn với trách nhiệm cụ thể, bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí.

Trong điều hành, chỉ đạo huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực phải tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tiến độ thực hiện, giải ngân của các dự án, nhiệm vụ chi thuộc Chương trình; theo dõi chặt chẽ các chỉ số vĩ mô để có giải pháp kịp thời bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, trong đó đặc biệt chú trọng đến chỉ tiêu về lạm phát, nợ xấu.

Khẩn trương rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nội bộ ngay từ đầu để không xảy ra sai sót, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh bố trí nguồn lực lớn trong khoảng thời gian ngắn.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2022 đến ngày 31/12/2023.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình về dự thảo Nghị quyết.

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV