Tầm nhìn xa với thị trường trái phiếu doanh nghiệp

NDO -

Chính phủ đang thể hiện tầm nhìn xa trong phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp tham gia thị trường này cũng cần tránh động cơ “tranh thủ”, “đánh quả” vì lợi ích ngắn hạn mà xem nhẹ lợi ích lâu dài.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 7/4 vừa qua, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và đấu giá quyền sử dụng đất. Trước đó, cuối năm 2021, Thủ tướng cũng đã có công điện yêu cầu rà soát, kiểm tra và xử lý, chấn chỉnh những biểu hiện chệch hướng trên thị trường TPDN.

Cân bằng thị trường vốn và tiền tệ, tín dụng

Trong công điện, Thủ tướng nhấn mạnh: “Thị trường TPDN là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng…”.

Phát triển cân bằng là tầm nhìn cho lâu dài, bởi cho đến nay kênh dẫn vốn cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng.

Tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã ở mức cao, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến cuối năm 2020 đã lên tới 146% theo GDP hiện hành, 115,8% theo GDP đánh giá lại. Trong khi đó, qua hai năm dịch Covid-19, tăng trưởng GDP đã chùng xuống, khiến mẫu số cho cân đối này có phần chênh lệch hơn.

Trong bối cảnh đó, thị trường TPDN phát triển khá nhanh những năm gần đây. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) công bố ngày 21/3 vừa qua, tổng lượng TPDN lưu hành cuối năm 2021 ước tính khoảng 1,39 triệu tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn từ 2017-2021.

Quy mô thị trường TPDN tăng mạnh từ 4,93% GDP (năm 2017) lên tới 16,6% GDP (năm 2021). Ở các nước phát triển, tỷ lệ này khoảng 30-50%, nghĩa là dư địa cho phát triển thị trường TPDN còn rất lớn.

“Dù kênh tín dụng vẫn là kênh huy động vốn chính của các doanh nghiệp nhưng kênh chứng khoán đang tăng tốc mạnh mẽ, quy mô thị trường cổ phiếu và TPDN tăng nhanh từ mức 68% (năm 2020) lên mức tương đương 88% (năm 2021) so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Sự tăng trưởng này phù hợp định hướng phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng của cơ quan quản lý”, báo cáo của SSI đánh giá.

Như vậy, thị trường TPDN Việt Nam đang ngày càng phát huy vai trò quan trọng mà Thủ tướng nhấn mạnh ở trên, tạo cấu phần ngày một lớn hơn để cùng thị trường vốn hướng tới cân bằng với thị trường tiền tệ và tín dụng. Song, đà phát triển này cần đi cùng với minh bạch, an toàn và bền vững; phát triển về lượng đi cùng với chất.

Cũng trong công điện trên, Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, hoạt động phát hành TPDN có một số vi phạm, nhưng không phải phổ biến. Thực tế, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vào cuối năm 2021 đầu năm 2022, đặc biệt là quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh ngày 5/4 vừa qua.

Theo nhận định của lãnh đạo một ngân hàng thương mại, thị trường TPDN Việt Nam những năm gần đây đã có bước phát triển vượt bậc, thể hiện ở giá trị quy mô dẫn vốn cho doanh nghiệp, nhất là hình thành được một lực lượng nhà đầu tư dày dặn hơn, gồm các nhà đầu tư cá nhân.

Đây là nền tảng quan trọng để dần hình thành một thị trường phát triển, chuyên nghiệp cũng như hướng đến mục tiêu cân bằng với kênh tín dụng ngân hàng.

Hạn chế tình trạng “tham bát bỏ mâm”

Tuy nhiên, trong sự phát triển đó, bên cạnh những rủi ro tiềm ẩn về vi phạm quy định pháp luật, một dạng “rủi ro” khác là hiện tượng “tham bát bỏ mâm” như một động cơ “đánh quả” và tranh thủ đà phát triển mới của thị trường.

Điểm này từng được Bộ Tài chính nêu rõ qua nhiều trường hợp có tỷ lệ đòn bẩy TPDN quá lớn so với vốn chủ sở hữu; tần suất phát hành dồn dập,…

Trong khi đó, chất lượng các đợt phát hành qua mục đích/dự án sử dụng vốn và thông tin về nhiều nhà phát hành còn khá hạn chế. Đặc biệt, trong năm 2021, đã xuất hiện nhiều nhà phát hành mới mà thông tin, hạng mức tín nhiệm được đánh giá đi kèm còn nhiều điểm để ngỏ.

“Coi thị trường TPDN là một tài nguyên, nếu “đánh quả” với tầm nhìn ngắn hạn, tranh thủ tận thu, nhất là tận thu niềm tin của nhà đầu tư, mà thiếu tầm nhìn dài hạn là bảo vệ thị trường chung, thì chính doanh nghiệp - các nhà phát hành sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho chính mình. Bởi muốn phát triển lâu dài phải dựa vào thị trường này, chứ không phải với mục tiêu, lợi ích ngắn hạn. Bảo vệ thị trường không chỉ là bảo vệ nhà đầu tư, mà doanh nghiệp bảo vệ tương lai của chính mình”, lãnh đạo ngân hàng trên nêu quan điểm.

Trên thực tế, thị trường vốn hay thị trường tài chính tiền tệ, tín dụng nói chung trong quá trình phát triển đều luôn có yếu tố rủi ro. Trong đó, có xác suất có những trường hợp gian dối, vị phạm pháp luật,… Nhưng điều đó không có nghĩa đánh đồng là rủi ro chung của cả thị trường.

Quan ngại này có từ thực tế, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường hiện nay mở rộng ra tất cả doanh nghiệp phát hành. Năm 2021, theo thống kê của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), có 243 doanh nghiệp lần đầu phát hành TPDN, và sự dè chừng ở những nhân tố mới này.

Vậy làm sao để loại trừ những nhân tố tiêu cực trong quy mô lớn và tốc độ phát triển nhanh của thị trường? Trả lời câu hỏi này, một chuyên gia kinh tế cho rằng, tham khảo tại các thị trường phát triển, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn doanh nghiệp phát hành TPDN, dĩ nhiên sẽ có những trường hợp vi phạm.

Khi phát hiện, cơ quan quản lý có chế tài đủ mạnh, thích đáng để các nhà phát hành khác nhìn vào như một sự răn đe có sức nặng. Với những trường hợp bị xử lý vừa qua, đặc biệt qua quyết định khởi tố vụ án tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cho thấy tính răn đe mạnh mẽ và cụ thể.

Đây cũng chính là một miếng ghép quan trọng, cần thiết để củng cố tính bền vững, giá trị thị trường TPDN cho tương lai. Doanh nghiệp - nhà phát hành qua đó sẽ nhận thức rằng tương lai, lợi ích của họ sẽ trở nên ngắn ngủi nếu chỉ với tầm nhìn và động cơ ngắn hạn.

Những trường hợp bị xử lý trên như những hồi chuông cảnh tỉnh giúp các nhà phát hành nâng cao trách nhiệm về tính minh bạch, tuân thủ. Cơ chế giám sát thông tin, áp tiêu chuẩn kỹ thuật về đánh giá tín nhiệm để tăng cường hơn nữa tính minh bạch trên thị trường TPDN Việt Nam.

Tại công điện vừa qua của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường minh bạch cũng là một trong những yêu cầu được nhấn mạnh. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đầu mối chuyên trách tiếp tục rà soát để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, minh bạch rõ ràng là cần thiết bởi các chủ thể trên thị trường có những mực thước cụ thể khi căn chỉnh các bước đi cho an toàn.

Có thể đâu đó một bộ phân tâm lý trên thị trường thụ động và phản ứng tiêu cực trước các vụ việc bị xử lý gần đây. Song, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng với chế tài đủ mạnh, một khung khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện chính là tầm nhìn xa trong phát triển thị trường bền vững hơn, qua đó bảo vệ lợi ích nhà đầu tư chặt chẽ hơn và củng cố thêm niềm tin trên thị trường.

Khi đó, lợi ích và niềm tin của nhà đầu tư được củng cố, thị trường TPDN sẽ càng thu hút và mở rộng lực lượng những nhà đầu tư mới tham gia.