Sừng tê giác không phải là thuốc chữa bách bệnh

NDO -

Tê giác là loài động vật quý hiếm thuộc lớp thú, phân bố ở châu Phi và châu Á. Trong những năm gần đây, tình trạng săn bắt để lấy sừng đang xảy ra ngày càng rộng và phức tạp, khiến số lượng cá thể các loài tê giác trên thế giới bị suy giảm hết sức nghiêm trọng.

Tình trạng săn bắt để lấy sừng khiến số lượng tê giác suy giảm nghiêm trọng.
Tình trạng săn bắt để lấy sừng khiến số lượng tê giác suy giảm nghiêm trọng.

Nhu cầu về sừng tê giác, đặc biệt ở nhiều quốc gia châu Á, đã và đang là chủ đề nóng được các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) trên thế giới quan tâm. Điều đáng buồn Việt Nam là cái tên được nhắc đến khá nhiều trong chủ đề này. Tệ nạn này xuất hiện có thể nói do quan điểm sai lệch về công dụng từ sừng của loài tê giác của con người, đặc biệt là các quan niệm thiếu khoa học của người châu Á. Rất nhiều người tin rằng sừng tê giác có thể chữa bách bệnh, đặc biệt là bệnh nan y như ung thư, hay được dùng để tăng cường “sức mạnh” nam giới. Nhưng trên thực tế, chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh được các công dụng của sừng tê giác như vậy.

Sở dĩ sừng tê giác được săn lùng tại châu Á, cụ thể hơn nữa là Việt Nam và Trung Quốc là bởi ảnh hưởng từ y học cổ truyền xuất phát từ hàng trăm năm trước với quan niệm sừng tê giác có tính hàn có thể hạ sốt, chữa chảy máu cam, thanh nhiệt.

Năm 2016, cuộc “giải phẫu” theo phương thức của y học hiện đại đã được thực hiện bởi các chuyên gia trường đại học Ohio, Mỹ cùng những ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất như chụp cắt lớp, X-quang, phân tích các hợp chất cầu thành sừng tê giác....Kết quả nghiên cứu với việc phân tích từng thành phần có trong sừng tê giác cho thấy sừng tê giác không phải là thuốc và hoàn toàn không có chứa chất nào có khả năng chữa bệnh.

Qua việc “giải phẫu” bằng cả phương thức cổ truyền và hiện đại, rõ ràng là sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh. Chưa kể đến bởi giá thành đắt hơn cả vàng, nên 80% sừng tê giác được bán trên thị trường là hàng giả làm từ sừng trâu, sừng bò với thủ đoạn và công nghệ làm giả ngày càng tinh vi hơn.

Mặc dù công trình nghiên cứu của đại học Ohio, Mỹ đã được công bố rộng rãi, tuy nhiên bất chấp thực tế và số liệu phân tích chi tiết từ việc ứng dụng công nghệ hiện đại, sừng tê giác vẫn được săn lùng và có một bộ phận không nhỏ sẵn sàng trả giá cao để sở hữu chúng.

Khảo sát do Tổ chức Mạng lưới giám sát thương mại động vật hoang dã (TRAFFIC) thực hiện còn cho biết số lượng người mua sừng tê giác tại Việt Nam không ngừng tăng qua các năm. Trong đó, đối tượng sử dụng nhiều nhất là các doanh nhân. Đặc biệt, khảo sát còn cho biết có chưa đến 10% số doanh nhân này tin vào tác dụng của sừng tê giác, hầu hết họ mua để làm quà biếu và sở hữu để thể hiện sự giàu có, địa vị.

Nhu cầu này là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hàng trăm con tê giác mỗi năm, đẩy loài vật này đến bờ vực những loài động vật nguy cấp cần bảo vệ. Một điều đáng tiếc rằng, công dụng chữa bệnh của sừng tê giác không chỉ đến từ những hợp chất cấu thành của sừng mà còn đền từ “niềm tin” tinh thần, đến từ suy nghĩ đã ăn sâu vào nhận thức “thứ hiếm là thứ quý”. Đặc biệt với những trường hợp có điều kiện kinh tế tốt, không may có bệnh thì tâm lý có bệnh vái tứ phương, bồi bổ triệt để càng được phát huy mạnh hơn.

Qua đây có thể thấy, để ngăn chặn nạn việc giết hại, tàn sát tê giác lấy sừng buộc phải giảm được nhu cầu sử dụng sừng tê giác. Các tổ chức quốc tế, các quỹ bảo vệ ĐVHD đã triển khai nhiều chiến dịch tuyên truyền và vận động tích cực. Chính phủ Việt Nam cũng đã thể hiện sự quyết tâm với ban hành quy định với các khung hình phạt mới cho tội phạm buôn bán ĐVHD trong những năm trở lại đây.

Tuy nhiên, các chiến dịch và những biện pháp kể trên chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt khi mà số lượng tê giác bị giết hại vẫn ở mức báo động. Trong thời gian tới đây, để giải quyết triệt để vấn nạn này, chính phủ cần nâng cao khung hình phạt đối với tội phạm buôn bán trái phép các sản phẩm từ ĐVHD trong đó có sừng tê giác, bên cạnh đó cần xử phát nặng đối với cả những người mua/sử dụng sừng tê giác. Bởi chỉ khi nguồn cầu không còn thì nguồn cung mới bị triệt tiêu. Ngoài ra, những chiến dịch truyền thông về công dụng không có thật của sừng tê giác và nâng cao nhận thức về bảo vệ ĐVHD nói chung và tê giác nói riêng cũng cần được thực hiện rộng rãi hơn, đủ sức lan tỏa trong cộng đồng, không chỉ để thay đổi hành vi người sử dụng mà còn góp phần lan tỏa thông điệp không sử dụng sừng tê giác đến toàn xã hội, tạo áp lực ngược lại đối với những người sử dụng.