Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong ra đời từ phong trào kế hoạch nhỏ của thiếu niên cả nước. Thương hiệu "Tiền Phong" của công ty nhận giải thưởng "Sao Vàng Ðất Việt" và được xác định trị giá tám tỷ đồng khi CPH doanh nghiệp.
Vượt qua khó khăn, tạo sự ổn định
Khởi đầu trong điều kiện thiếu thốn, thiết bị thô sơ, 2/3 thao tác công việc là thủ công, nhưng đơn vị đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức sản xuất, nâng sản lượng từ 50 tấn/năm lên 200 tấn/năm với nhiều chủng loại mặt hàng, phong phú về hình thức và chất lượng. Một thời, dép nhựa "Tiền Phong" là "mốt" của số đông thanh niên từ thành thị tới nông thôn. Và không chỉ có thế, các mặt hàng đồ chơi, học cụ, đồ gia dụng khác đã hiện diện ở hầu hết các gia đình.
Những năm đầu chuyển sang cơ chế thị trường, gần như toàn bộ các chủng loại sản phẩm truyền thống không trụ vững được và lần lượt bị xóa bỏ. Trước khó khăn lớn về sản xuất, kinh doanh, một quyết định táo bạo được đưa ra là từ bỏ hẳn những mặt hàng nổi tiếng một thời gắn bó với uy tín đơn vị, nhưng không còn mang lại hiệu quả kinh tế. Ống nhựa PVC và phụ tùng được lựa chọn là mặt hàng chủ lực, sau đó công ty tiếp tục nghiên cứu chế tạo, đưa vào sản xuất các loại sản phẩm ống, máng nhựa luồn dây điện, phụ tùng nhựa FEHD, ABS... Chuyển đổi phương án sản xuất, kinh doanh công ty có điều kiện tách một phân xưởng thành Nhà máy nhựa Bạch Ðằng. Với sự phát triển vượt bậc, cuối năm 1992, Bộ Công nghiệp đã quyết định đổi tên đơn vị thành Công ty nhựa Thiếu niên Tiền Phong, chính thức giao quyền chủ động sản xuất, kinh doanh cho công ty.
Ba giải pháp tạo thay đổi về chất
Ðồng chí Ðoàn Văn Chương, Giám đốc công ty, cho biết: Thương hiệu "Tiền Phong" của công ty đã đoạt giải thưởng "Sao Vàng Ðất Việt" năm 2004 và cũng cuối năm này, công ty thực hiện cổ phần hóa, sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế. Khi chuyển đổi, thương hiệu này được xác định trị giá tám tỷ đồng. Thời điểm CPH, giá trị doanh nghiệp được Bộ Công nghiệp phê duyệt hơn 179 tỷ đồng; trong đó, vốn Nhà nước 52,2 tỷ đồng. Công ty có ba giải pháp lớn làm thay đổi về chất để phát triển từ năm 1993 trở lại đây. Ðó là, mạnh dạn chuyển nguyên liệu từ dạng hạt nhựa sang dạng bột, giá rẻ hơn, tiết kiệm mỗi năm hàng tỷ đồng, giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành. Thứ hai, bằng uy tín của công ty, huy động vốn từ các nguồn trong xã hội đưa vào sản xuất, kinh doanh hơn 30 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết khó khăn, tạo thế ổn định. Thứ ba, tổ chức mạng lưới tiêu thụ, với năm trung tâm và 180 đại lý rộng khắp ở các tỉnh phía bắc từ Ðà Nẵng trở ra, chiếm 70-80% thị phần hàng nhựa các tỉnh phía bắc, ngoài ra còn xuất khẩu sang nước bạn Lào.
Sau đổi mới toàn diện thiết bị, công nghệ sản xuất và chủng loại sản phẩm, đến nay công ty đã có một hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại của Ðức, Mỹ, I-ta-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc với hơn 50 máy ép đùn, ép phun thủy lực, hàng chục máy trộn, xay nghiền phế liệu. Công ty có khả năng sản xuất được các loại ống cỡ nhựa lớn, đủ sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong lĩnh vực chuyển đổi công nghệ, nguyên liệu của sản phẩm nhựa PVC từ dạng hạt chuyển sang dạng bột đạt được hiệu quả rất cao do tiết kiệm giá thành, giảm chi phí đầu vào. Từ việc đầu tư có lựa chọn, khai thác công nghệ, thiết bị tiên tiến, năng suất lao động của công ty ngày một tăng, bảo đảm chất lượng sản phẩm và tăng vòng quay vốn lên 5,2 lần/năm.
Nâng cao sức cạnh tranh, tăng sản lượng hàng hóa trên thị trường, công ty đã phát động phong trào cải tiến kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất. Ðã có hơn 1.500 sáng kiến, làm lợi hơn 287 tỷ đồng. Với sự năng động, nhạy bén thị trường, đội ngũ kỹ thuật của công ty đã nghiên cứu, thiết kế nhiều loại sản phẩm mới có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mức tăng trưởng hằng năm đạt 20 - 30%. Ðó chính là sức trẻ mà Tiền Phong duy trì được để ổn định sản xuất và phát triển vững chắc.