Một trong những phương thức phổ biến là tổ chức dạy và học trực tuyến. Không ít giáo viên đã nêu cao ý thức trách nhiệm tìm cách cải tiến cách dạy, hướng dẫn cách học, giúp học sinh làm quen cách học mới, duy trì các sinh hoạt học tập cần thiết phấn đấu bảo đảm chất lượng dạy và học ở mức có thể.
Thực tiễn chỉ ra rằng, dù đã cố gắng tối đa, nhưng phương thức dạy và học trực tuyến đã và đang tạo ra khá nhiều hạn chế, bất cập, thể hiện trước hết ở chỗ, không phải gia đình nào, học sinh nào cũng có điện thoại thông minh, đặc biệt là có đủ máy tính, ấy là chưa kể độ phủ internet và wifi còn rất hạn chế. Hoạt động giáo dục là sự đòi hỏi tiếp xúc thường xuyên, trực tiếp giữa người dạy và người học; là sự giao lưu cần thiết giữa học sinh với học sinh, giữa nhà trường với xã hội... Trong khi đó, ở mỗi lớp học, chất lượng học sinh lại không đồng đều, nếu trực tiếp học ở lớp thì thầy, cô giáo có thể kịp thời gợi mở, hỗ trợ khi làm bài tập thực hành; còn ở nhà các đối tượng này rất lúng túng, nảy sinh tư tưởng ngại và chán học. Mặt khác, với nội dung sách giáo khoa mới, cách học mới, thì không phải phụ huynh nào cũng có thể giải đáp giúp học sinh; đặc biệt khi nhiều gia đình, cha mẹ đều phải đi làm vì mưu sinh, nên đã chắt chiu mua sắm điện thoại hoặc máy tính để con em học trực tuyến. Nhưng nhiều em đã lợi dụng các phương tiện này thực hiện các trò chơi giải trí, dẫn đến cường độ sử dụng điện thoại trong ngày ở nhiều em quá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực, chưa kể tác động tiêu cực của phim, hình ảnh có nội dung xấu. Đây là một trong những vấn đề thời sự, được hàng triệu gia đình quan tâm, cần được ngành giáo dục sớm tiến hành khảo sát, tổng kết để đề ra cách khắc phục kịp thời, khi tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, khó lường.
Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, trong phiên họp toàn thể thảo luận về tình hình, phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, một số đại biểu đã đề cập cụ thể những vấn đề bức thiết của ngành giáo dục, như cần sớm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá năng lực học sinh và hệ thống chỉ báo cụ thể; làm rõ nội hàm "phát triển năng lực, phẩm chất người học" theo lộ trình và bước đi cụ thể; tình trạng không ít cán bộ quản lý và giáo viên chưa trang bị cho mình những năng lực cốt lõi như tự chủ, tự học, giao tiếp, hợp tác giải quyết các vấn đề đặt ra trong quản lý giáo dục. Việc tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên bị chậm, dẫn tới việc nhiều trường hiện nay không hiểu đúng về xây dựng kế hoạch nhà trường, xây dựng kế hoạch bài giảng theo định hướng mới. Rồi hàng loạt vấn đề quan trọng khác như hướng dẫn áp dụng các bộ sách giáo khoa mới, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ được định hướng thế nào; việc bảo đảm tiêm vắc-xin cho các em từ 12 tuổi trở lên và cách ứng phó khi dịch vẫn kéo dài, v.v., cần được cơ quan chủ quản chủ động định hướng, tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy"...
Cả nước đang quyết tâm thực hiện tốt "mục tiêu kép", trong đó có nhiệm vụ giáo dục liên quan mật thiết hàng chục triệu gia đình và toàn xã hội. Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược ở vào giai đoạn cam go nhất, Bác Hồ gửi thư cho ngành giáo dục nhân năm học mới và căn dặn: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt". Đó cũng là mệnh lệnh lương tâm của những người đang tiếp tục "sự nghiệp trồng người" hôm nay!