Các phiên thảo luận ở tổ cũng như ở hội trường, đã có hàng trăm lượt ý kiến làm rõ những mặt được cùng những hạn chế, bất cập của kinh tế-xã hội trong hơn 9 tháng đầu của năm 2023. Với tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, các đại biểu đã nghiên cứu nghiêm túc các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan chức năng của Quốc hội, trên cơ sở bám sát tình hình mọi mặt ở địa phương cũng như lắng nghe và tiếp thu các ý kiến chính đáng của cử tri ở từng đơn vị bầu cử cho mình, do vậy những ý kiến đánh giá cũng như đề xuất với Quốc hội mang hơi thở cuộc sống thực tại.
Điều đáng chú ý là, nhiều đại biểu đã liên hệ sâu sắc trước sự chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước với thực tiễn địa phương, giúp Quốc hội và Chính phủ có những quyết sách đúng đắn hơn, toàn diện hơn nhằm bảo đảm ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng bền vững, giải quyết kịp thời các vấn đề an sinh xã hội, xây dựng “thế trận lòng dân” cả trong kinh tế và an ninh-quốc phòng. Theo hướng đó, nhiều đại biểu thống nhất với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP từ 6-6,5%. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.
Có thể thấy, những quyết sách đề ra đã được Quốc hội đặt trong bối cảnh tổng thể gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (giai đoạn 2021-2025) về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Điểm mới trong chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2 ngày rưỡi của Kỳ họp này được dư luận quan tâm là, hình thức chất vấn theo nhóm lĩnh vực, buộc các tư lệnh ngành, kể cả các Phó Thủ tướng và Thủ tướng Chính phủ đều tham gia trả lời chất vấn với tinh thần đề cao trách nhiệm, nghiêm túc tiếp thu những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội thẳng thắn nêu ra có lý, có tình, có dẫn chứng cụ thể, bám sát trọng tâm, trọng điểm của Chương trình nghị sự. Đặc biệt, việc Đoàn chủ tịch tạo điều kiện cho đại biểu tranh luận với tinh thần xây dựng trước phát biểu của một số bộ trưởng, thể hiện sinh hoạt nghị trường ngày càng mở rộng dân chủ, thái độ cầu thị tiếp thu trong giải trình, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu tranh luận - đó cũng là bước tiến đáng ghi nhận.
Thực hiện kế hoạch đã được quy định từ đầu nhiệm kỳ, tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Chuẩn bị cho nhiệm vụ này, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cụ thể hóa Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị, làm rõ hơn các tiêu chí, cách thức để đánh giá sát đúng năng lực, phẩm chất từng người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp từng thành viên đánh giá đúng mình, nhằm “tự soi, tự sửa”, phát huy ưu điểm, khắc phục nhanh hạn chế, khuyết điểm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ.
Đợt 1 Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, dù chỉ diễn ra trong 15 ngày, nhưng phản ánh khá sinh động cuộc sống đa dạng của đất nước đã và đang ùa vào nghị trường, đòi hỏi mỗi đại biểu ra sức nâng cao tri thức và tinh thần trách nhiệm, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri đã bỏ phiếu lựa chọn mình là đại biểu ưu tú của nhân dân tham gia cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất!