Vị thế đối ngoại Việt Nam

Dư luận báo chí thế giới và trong nước rất quan tâm theo dõi và đánh giá cao chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, diễn ra từ ngày 12 đến 13/12/2023 vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh | ĐĂNG KHOA
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh | ĐĂNG KHOA

Chuyến thăm lần này có thể coi là cột mốc lịch sử, đánh dấu bước phát triển đi vào chiều sâu, thực chất hơn, hiệu quả hơn trong quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, được thể hiện sinh động, đầy đủ, toàn diện trong Tuyên bố chung về nội dung chuyến thăm, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước. Dấu ấn nổi bật nhất trong Tuyên bố chung là đặt ra một định vị mới cho quan hệ hai nước - đó là việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Về bản chất, văn bản quan trọng này thể hiện sự tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn; hợp tác các lĩnh vực sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng sẽ được kiểm soát và giải quyết tốt hơn. Không chỉ dừng lại ở các cam kết, lãnh đạo hai nước đã nhất trí vạch ra các nội dung hành động trên từng lĩnh vực hợp tác, đi liền đó là những phương hướng chỉ đạo cụ thể về quy trình thực hiện nhằm thúc đẩy có hiệu quả việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư ngành nghề, thương mại, nông nghiệp, tài chính tiền tệ, trong đó vấn đề cơ sở hạ tầng và kết nối chiến lược đã ghi rõ một số kế hoạch và dự án tiêu biểu. Cùng với đó, Tuyên bố chung nhấn mạnh việc đầu tư tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh...

Thành công của chuyến thăm này, một lần nữa thể hiện sự tin cậy chính trị nâng tầm quan hệ hai Đảng, hai nước, mà cụm từ “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” đã mang tính khái quát rất cao trong bước phát triển quan hệ ở thời kỳ mới, thể hiện sinh động tinh thần “4 tốt”: “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Thành công chuyến thăm một lần nữa thể hiện sức thuyết phục của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam, đồng thời biểu hiện sinh động thái độ trân trọng, cởi mở, tin cậy của phía Việt Nam đối với nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời, xuất phát từ mong muốn đáp ứng lợi ích của hai Đảng, hai nước đều vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc ngày càng phát triển, góp sức tích cực vào hòa bình, ổn định của hai nước cũng như của khu vực và thế giới. Trong chuyến thăm, 36 văn bản hợp tác đã được ký kết vừa có tính bao quát, vừa có tính cụ thể, là cơ sở để tạo dựng và củng cố tin cậy lẫn nhau, nếu được triển khai tốt sẽ tạo đà phát triển mới về kinh tế cũng như các lĩnh vực khác, mà hai bên đều quan tâm.

Với đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam, trong năm 2023 này, các chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao nước ta tới các nước ở châu Á, châu Âu, khu vực Mỹ Latin đã được dư luận hoan nghênh; theo đó nhiều thỏa thuận hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước đã được ký kết. Ở chiều ngược lại, nhiều nguyên thủ ở các châu lục cũng đã tới thăm Việt Nam, trong đó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã sang thăm Việt Nam vào tháng 9/2023 và ký kết nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Bên lề hàng loạt các hội nghị quốc tế cấp cao diễn ra thời gian qua, nhiều nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các nước, trong đó có nhiều cường quốc khi gặp lãnh đạo nước ta đều đánh giá cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam, tỏ ý muốn sang thăm để nâng tầm quan hệ, đều xuất phát từ nhận thức “làm bạn với Việt Nam” sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Đó cũng là thành công của đường lối ngoại giao “bản sắc cây tre Việt Nam”, đã và đang phát huy ở tầm cao mới.