Còn mãi hào khí "Ðiện Biên Phủ trên không"

Cách đây tròn 50 năm (tháng 12 năm 1972) quân và dân Hà Nội phối hợp cùng các mặt trận cả nước lập nên kỳ tích "Điện Biên Phủ trên không" đánh sập dã tâm dùng chiến lược "pháo đài bay" B-52 để "đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá", buộc ta phải chấp nhận những yêu sách phi lý do Mỹ đưa ra tại Hội nghị đàm phán ở Pa-ri nhằm lập lại hòa bình ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Khách tham quan Bảo tàng chiến thắng B-52 (TP Hà Nội). Ảnh | TRẦN HẢI
Khách tham quan Bảo tàng chiến thắng B-52 (TP Hà Nội). Ảnh | TRẦN HẢI

Với lòng quả cảm, sự sáng tạo tuyệt vời trong hiệp đồng chiến đấu, bằng ý chí "không có gì quý hơn độc lập tự do", Hà Nội đã bắn rơi 34 "pháo đài bay" và hàng chục "con ma", "thần sấm"; xác của chúng rơi lả tả trên làng hoa Ngọc Hà, hồ Trúc Bạch, trên sông Hồng và nhiều nơi khác. Thắng lợi của trận quyết chiến lịch sử này đã buộc phái diều hâu Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, rút hết quân đội Mỹ về nước.

Tháng 12 này, hào khí "Điện Biên Phủ trên không" đang cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sát cánh cùng nhau vượt lên những tác động tiêu cực của tình hình kinh tế, chính trị thế giới để tạo ra những bứt phá mới trong bối cảnh cả nước vừa thoát ra khỏi hậu quả nặng nề của hai năm đại dịch Covid-19. Với tinh thần lao động kiên cường, sáng tạo, chúng ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng cường các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, mở rộng các hoạt động đối ngoại, tiếp tục nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Chúng ta vui mừng trước những bứt phá mới của nhiều ngành, nhiều địa phương, trong đó lĩnh vực xuất, nhập khẩu là điểm sáng, đến đầu tháng 12 năm nay đã đạt các chỉ tiêu của cả năm. Khép lại 11 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 673 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13,4%, nhập khẩu tăng 10,1%. Chất lượng hàng xuất khẩu, nhất là nông sản, đã vào được các thị trường khó tính ở châu Âu, châu Mỹ, nhất là ở Hoa Kỳ đã tiếp nhận chín loại trái cây, như bưởi da xanh, xoài, nhãn, chôm chôm..., mở ra những hướng sản xuất có hiệu quả ở các tỉnh miền núi phía bắc như Sơn La, hoặc ở Bến Tre, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chúng ta vui mừng đã có 35 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, như nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhóm hàng nông sản, lâm sản, thủy sản... đều tăng mạnh. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm hơn 93% tỷ trọng, nhóm hàng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật phẩm tiêu dùng... đều được bảo đảm, góp sức duy trì nhịp độ sản xuất và tiêu thụ. Mặc dù có sự gián đoạn do đại dịch và biến động địa-chính trị toàn cầu với những thử thách và rủi ro khó lường, song Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài, 11 tháng qua, đã có hơn 25 tỷ USD từ các nước đầu tư vào nước ta. Tuy nhiên, đi liền những thành tựu lớn, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong nhiều lĩnh vực vẫn chậm được khắc phục, như giải ngân vốn đầu tư công; cải cách thủ tục hành chính; điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách do thực tiễn cuộc sống đặt ra chưa kịp thời...

Với hào khí "Điện Biên Phủ trên không", chúng ta hy vọng sẽ có nhiều bứt phá mới, nhiều chiến công mới trong tháng khép lại năm 2022 này!