Hào khí Ðiện Biên Phủ cổ vũ chúng ta xốc tới!

Hơn một tháng qua, cả nước ta bừng dậy hào khí Điện Biên Phủ - mốc lịch sử bằng vàng của dân tộc ta trong quá trình giành và giữ độc lập tự do của Tổ quốc trong thế kỷ 20.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh | THÀNH ĐẠT
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh | THÀNH ĐẠT

Tiếp nối truyền thống hào hùng đó, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ, chúng ta đã đi tiếp cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước để non sông liền dải vào ngày 30/4/1975!

Vào năm 1951, trong bản Báo cáo chính trị đọc trước Đại hội Đảng, Hồ Chủ tịch nói: “Khi ta bắt đầu kháng chiến, có người nhút nhát cho rằng: cuộc chiến của ta là “châu chấu đá voi”. Nhưng chúng ta đã quả quyết trả lời những người lừng chừng và bi quan kia rằng:Nay tuy châu chấu đấu voi, / Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra!” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb CTQG-ST, 2011). Đúng 3 năm sau, điều đó đã thành sự thật chấn động năm châu! Nguyên nhân bao trùm làm nên huyền thoại ấy - đó là nghệ thuật tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ của Đảng và Bác Hồ, nhờ vậy đã khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước và ý chí chiến đấu quật cường của toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh vô song, nhấn chìm bè lũ cướp nước.

Những ngày qua, rất nhiều du khách quốc tế lên Điện Biên Phủ, vào thăm Bảo tàng lịch sử, đều vô cùng sửng sốt và khâm phục khi xem gian trưng bày, có phần nói về “Binh chủng ngựa sắt trong chiến dịch”. Họ ghi chép khá tỉ mỉ những “con số biết nói”: Tham gia chiến dịch có 87.000 người, trong đó dân công phục vụ là 33.000 người, với tổng số 12 triệu ngày công. Các phương tiện vận tải thô sơ bao gồm: 20.911 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, 325 xe ngựa; đã vận chuyển 25.000 tấn lương thực, trong đó: 14.900 tấn gạo, 266 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô... Hơn 20.000 người đẩy xe đạp thồ, mỗi xe thồ từ 100 kg đến 300kg, một xe thồ có hiệu suất bằng 100 dân công gánh bộ. Một đêm xe đạp thồ đi được 25km, trong khi xe cơ giới chỉ đi được 15km. Nếu 2 xe đạp gá lại, có thể chở được 2 thương binh nằm, hoặc 4 thương binh ngồi.

Chính vì vậy mà ký giả Jules Roy đã kết luận: “không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại tướng Navarre, mà chính là những chiếc xe đạp thồ 200kg - 300kg hàng hóa và đẩy bằng sức người - những người ăn chưa đủ no, ngủ thì nằm ngay dưới đất, trên tấm nilon. Cái đã đánh bại tướng Navarre không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương. Sau này một số quan chức Pháp đã chua chát thừa nhận: Rốt cuộc, máy bay vận tải Pháp thua cái xe đạp thồ của dân công Việt Nam.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như tiếp sau là chiến dịch Hồ Chí Minh vào mùa xuân năm 1975 là sự vận dụng tài tình và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin về chiến tranh nhân dân ở một nước mà bọn thực dân, đế quốc có sức mạnh vật chất và trang bị kỹ thuật tối tân gấp nhiều lần so với Việt Nam. Chúng ta đã chiến thắng vì huy động tối đa “sức mạnh lòng dân”. Bài học ấy, lại được Đảng ta triệt để vận dụng và phát huy trong gần 40 năm đổi mới và hội nhập vừa qua, để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” - đúng như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định.

Hiện nay, chúng ta đang đứng trước thời cơ, vận hội lớn; đồng thời cũng đối mặt với cơ man thách thức do tình hình quốc tế và khu vực đang diễn biến phức tạp, nhanh chóng và khó lường. Không có “chiếc đũa thần kỳ diệu” nào giúp chúng ta vượt qua mọi gian nan thách đố ấy - đó chính là sự kiên định, vững vàng về đường lối của Đảng cầm quyền; sự ủng hộ hết lòng của các tầng lớp nhân dân; sự phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; sự gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên, nhất là phẩm chất, năng lực và ý thức đề cao trách nhiệm của người đứng đầu ở các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương, có ý nghĩa quyết định.

Lời dạy của Bác Hồ đã và vẫn là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta hôm nay: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, / Khó trăm lần dân liệu cũng xong!”.