Không nói “không”, không nói “khó”

Tháng 11, tháng “áp chót” năm Tây, có nhiều điều gợi mở. Đang vào mùa tổng kết, lại đúng kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XV. Các vấn đề nóng trong xã hội được các đại biểu và cử tri cả nước thẳng thắn nêu lên.
0:00 / 0:00
0:00
Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) đoạn đi qua tỉnh Nam Định. Ảnh | KHÁNH AN
Đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) đoạn đi qua tỉnh Nam Định. Ảnh | KHÁNH AN

Những ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, trưởng ngành cũng rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, không né tránh, với tinh thần cái gì đã đề ra thì quyết làm bằng được, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, như lâu nay Thủ tướng Phạm Minh Chính thường nói.

Tinh thần nói đi đôi với làm và làm ngay, rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ hiệu quả, đã thể hiện rõ rệt trong thời gian qua. Xin nêu vài nét khái quát về hiệu quả: Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế vĩ mô của nước ta tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra. Tăng trưởng GDP 10 tháng đạt gần 7%; ước cả năm đạt hơn 7%. Kết quả đó do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Chúng ta đã hoàn thành các công trình rất ấn tượng: Hoàn thành Dự án 500 kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên, chỉ sau hơn 6 tháng thi công. Năm 2023 được gọi là “Năm cao tốc” thì năm 2024, các con đường cao tốc tiếp tục vươn mình, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km. Lợi ích đã thấy rõ rệt, năng lực vận tải lớn, an toàn, rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng miền, thuận lợi kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển và sân bay. Cùng với điện, với đường, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước, được coi là một đột phá trong xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo một cách thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Cả nước phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2025.

Nét nổi bật trong sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là quyết liệt, cụ thể, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý: nhiều công trình, công việc nên giao địa phương làm, địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm. Làm như thế để rõ hơn trách nhiệm, khắc phục tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, hoặc đá bóng sang chân người khác. Những nhiệm vụ quan trọng phải làm ngay từ bây giờ, không thể chần chừ. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu hoàn thành các mục tiêu chiến lược, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trước mắt, phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh từ 3.400 USD đến khoảng 4.650 USD, đưa Việt Nam vào nhóm nước thu nhập trung bình cao vào năm 2025.

Đây là những mục tiêu đã có sự nghiên cứu, cân nhắc, tính toán khoa học các điều kiện trong nước và quốc tế. Nếu mức tăng trưởng những năm tiếp theo không tăng lên hai con số thì làm sao có thể cất cánh, vươn mình? Không nói “không”, không nói “khó” là vì thế!

Kinh nghiệm của các quốc gia hóa Rồng trong những thập niên vừa qua là, làm sao khai thác tối đa thứ tài nguyên đặc biệt - tài nguyên con người - trong đó có những nhà lãnh đạo tài ba. Phải quyết tâm cao độ, chịu đau, thậm chí chịu hy sinh, tiến hành hàng loạt những cải cách trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa... Hiện nay chúng ta đang tập trung ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, rạch ròi; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giảm đầu mối, tinh giản biên chế; tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế... Đó là mục tiêu lớn, là mệnh lệnh tiến công. Những mục tiêu này cũng sẽ là những vấn đề được bàn thảo dân chủ, kỹ lưỡng, lựa chọn thời điểm, bước đi phù hợp, trong đại hội Đảng các cấp, bắt đầu từ cơ sở vào đầu năm 2025. Càng trong khó khăn, thử thách càng sáng lên tinh thần và ý chí đoàn kết, vượt khó, là dịp thử thách bản lĩnh, năng lực của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.