Quyết liệt tạo ra những bứt phá mới!

Trong tháng 9/2023, tình hình kinh tế thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; tốc độ phục hồi chậm; tăng trưởng thấp, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao tại nhiều quốc gia; giá dầu thô, lương thực có xu hướng tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nặng nề ở nhiều nước.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất và lắp ráp xe máy tại Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh | TRẦN HẢI
Sản xuất và lắp ráp xe máy tại Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh | TRẦN HẢI

Đối với nước ta, tình hình đó đã tác động trực tiếp tới nhiều hoạt động kinh tế-xã hội, gây thêm những trở ngại mới. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự đồng tâm hiệp lực của doanh nghiệp và nhân dân, chúng ta lần lượt vượt lên những khó khăn thách đố, đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%, thuộc nhóm các nước có tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, mặc dù so với chỉ tiêu của Quốc hội ta đã đề ra trong năm 2023 là khoảng 6,5%, thì còn thấp. Hoạt động đối ngoại trong tháng 9 “gặt hái” được nhiều thành công, nhất là việc cả Việt Nam và Hoa Kỳ quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Yêu cầu hàng đầu của sự phát triển đất nước hiện nay đối với các ngành, các cấp, các địa phương là phải tạo ra những bứt phá mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong cả tư duy và hành động, nhằm khắc phục có hiệu quả những hạn chế, bất cập mà chúng ta đang phải đối mặt. Đó là kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc; thị trường tài chính tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn; kinh doanh và đời sống của người lao động trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phải bươn chải; sức chống chịu của nền kinh tế thấp; một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật chậm được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện; một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh; tình hình trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp, v.v.

Nhiều hạn chế, bất cập nêu trên, chúng ta đã nhìn thấy từ lâu, nhưng chậm được khắc phục; từ đó lại nảy sinh thêm khó khăn mới; có lúc, có đơn vị, địa phương gặp “khó khăn chồng chất khó khăn”, xuất hiện tư tưởng bi quan, chờ đợi. Cần nhấn mạnh rằng, mọi chủ trương, cơ chế, chính sách do con người, bộ máy của chính chúng ta đề ra, do vậy khi nảy sinh những vướng mắc, càng đòi hỏi mỗi cán bộ, mỗi cơ quan cần đề cao ý thức trách nhiệm với phương châm tự thân vận động, chủ động hợp đồng khai thông các “điểm nghẽn”, huy động sức mạnh của toàn xã hội chung sức, chung lòng giải quyết. Chỉ có như vậy, mới tạo ra bước chuyển thật sự để khơi thông bế tắc, ví như trong giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng, chặn đứng và đẩy lùi nạn vòi vĩnh, sách nhiễu trong giải quyết các thủ tục hành chính; có cơ chế xử lý nghiêm những cán bộ đùn đẩy trách nhiệm, vin cớ khó khăn khách quan để đòi hỏi, trông chờ, ỷ lại... Hơn lúc nào hết, lời dạy của Bác Hồ “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” càng cần được thấu suốt trong Đảng và hệ thống chính trị, nhất là việc đề cao vai trò nêu gương và trách nhiệm người đứng đầu!

Câu hỏi: dám đột phá, đẩy lùi khó khăn, hay khoanh tay chờ đợi? - nhân dân ta đang kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ các cấp, một khi lắng nghe Dân, có trách nhiệm với Dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vào mục tiêu dân giàu, đất nước phát triển, phồn vinh, hạnh phúc; chúng ta sẽ tìm được lời giải thỏa đáng!