Vô tư xả thải ra sông
Sau khi Nhân Dân điện tử có bài phản ánh, điều tra về việc chợ đầu mối thủy hải sản (ở phường Bình Khánh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) do Công ty TNHH Châu Việt Long làm chủ đầu tư, xả nước thải không qua xử lý trực tiếp ra sông Hậu kéo dài nhiều tháng trời, đoàn kiểm tra liên ngành của TP Long Xuyên đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm của chợ này.
Ông Tô Hoàng Môn, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang cho biết, báo cáo của Phòng TN-MT TP Long Xuyên về kết quả kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của chợ đầu mối thủy hải sản cho thấy, rác thải tồn đọng, phát sinh hệ thống ống nhựa đường kính 114mm từ khu vực nhà lồng chợ dẫn xuống bờ sông cặp chợ để xả thải trực tiếp ra sông không qua hệ thống thu gom, xử lý; hệ thống thu gom, xử lý nước thải của chợ đầu mối thủy hải sản có thay đổi so bản xác nhận bảo vệ môi trường; hệ thống xử lý nước thải không hoạt động từ tháng 3-2021 đến nay.
Đặc biệt là giấy phép xả thải số 115/GP-STNMT ngày 5-4-2016 do Sở TN-MT tỉnh An Giang cấp cho Công ty TNHH Châu Việt Long đã hết hạn từ ngày 5-4-2021.
Tuy nhiên, hiện nay, chợ đầu mối này vẫn hoạt động mua bán kinh doanh tấp nập từ nửa đêm về sáng. Và hàng trăm mét khối nước thải phát sinh từ khu chợ vẫn tiếp tục xả trực tiếp ra sông Hậu?
Nói về bản kế hoạch bảo vệ môi trường của chợ đầu mối thủy hải sản, ông Tô Hoàng Môn quả quyết, để được xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường và đi vào hoạt động kinh doanh, Công ty TNHH Châu Việt Long phải dự báo được các tình huống hư hỏng, sự cố có thể xảy ra và có phương án dự phòng tương ứng.
“Hệ thống xử lý nước bị hư hỏng một trong những công đoạn nào thì phải có lộ trình ngắt chỗ đó, phải có hồ chứa tạm. Nước thải vẫn phải đi hết quy trình nhưng không được thải ra sông. Sau khi khắc phục xong hư hỏng thì phải lấy nước thải trở về hệ thống xử lý. Đoàn kiểm tra phải mời Giám đốc Công ty TNHH Châu Việt Long lên làm việc để xem từ tháng 3-2021 đến nay, các phương án dự phòng có được áp dụng không”, ông Môn nói rõ.
Nhưng ông Huỳnh Lê Phong, Trưởng Phòng TN-MT TP Long Xuyên lại cho rằng, trong giấy xác nhận của Phòng TN-MT TP Long Xuyên có nêu những nội dung trong kế hoạch, phòng dựa theo nội dung đó để kiểm tra chợ. Còn chợ đầu mối thủy hải sản muốn xin cải tạo hệ thống thu gom xử lý nước thải thì trong đơn phải ghi giải pháp tạm thời, phòng dựa vào đơn thấy giải pháp tạm thời chợ nêu ra được thì thống nhất.
Bà Bùi Thị Hoa Lài, Phó Trưởng phòng TN-MT TP Long Xuyên khẳng định, đến thời điểm này, không nhận đươc đơn xin sửa chữa đường cống và hệ thống thu gom, xử lý nước thải của chợ đầu mối thủy hải sản.
Còn ông Đỗ Văn Chuyển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Châu Việt Long, Trưởng Ban quản lý chợ đầu mối thủy hải sản giải thích, khi bị sạt lở đường cống thì công ty có báo chính quyền địa phương, rồi cơ quan chức năng xuống lập biên bản, yêu cầu khắc phục, vậy là cứ tiến hành làm. Còn về đơn thì công ty sẽ làm sau khi sửa chữa xong.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở TN-MT tỉnh An Giang cho biết, việc giấy phép xả thải số 115/GP-STNMT ngày 05-4-2016 do Sở TN-MT tỉnh An Giang cấp cho Công ty TNHH Châu Việt Long hết hạn (từ ngày 5-4-2021), Ban Giám đốc Sở cũng đã chỉ đạo cho phòng Khoáng sản – Tài nguyên nước – Biến đổi khí hậu rà soát lại, nếu thật sự giấy phép này hết hạn thì đây là xả thải không phép. Khi đó sẽ chuyển giao lại hồ sơ cho Thanh tra Sở xử lý, xử phạt.
Chợ nằm trong khu vực sạt lở
Phản ánh đến báo chí, nhiều người dân sống lâu năm tại khu vực đường Phan Bội Châu, phường Bình Khánh, TP Long Xuyên cho rằng, ngay từ khi cấp phép đi vào hoạt động năm 2015 đã thấy nhiều vấn đề không phù hợp đối với chợ đầu mối thủy hải sản. Vị trí đặt chợ nằm cặp bờ sông Hậu là khu vực sạt lở nghiêm trọng. Khoảng 500m về thượng nguồn từ vị trí chợ đầu mối thủy hải sản hiện hữu, từng xảy ra sạt lở bờ sông rất nghiêm trọng, khiến một nhà máy xay xát lúa gạo và nhiều nhà dân bị thiệt hại, ảnh hưởng phải di dời.
Nghiêm trọng hơn, sạt lở bờ sông qua khu vực này còn diễn biến phức tạp, tiếp tục khoét sâu vào đất liền, nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến Quốc lộ 91 qua phường Bình Đức, TP Long Xuyên nên phải “nấn” một đoạn tuyến Quốc lộ 91 qua khu vực này sâu vào bên trong.
Ông Tô Hoàng Môn, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang cho biết, vị trí của chợ đầu mối thủy hải sản trước đây nằm trong khu vực đặc biệt nguy hiểm có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng.
“Hằng năm, Sở TN-MT đều thực hiện quan trắc sạt lở từ khu vực cầu Cần Xây đến qua vàm rạch vào cầu Hoàng Diệu để xem diễn biến địa hình đáy sông khu vực này như thế nào, việc xây kè có ảnh hưởng gì so các khu vực chung quanh. Vị trí của chợ đầu mối thủy hải sản trước đây nằm trong khu vực đặc biệt nguy hiểm có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, còn hiện nay thì vẫn nằm trong khu vực cảnh báo sạt lở. Ngay kế bên chợ này, từ vàm rạch Trà Ôn ngược lên cầu Cần Xây đã được thi công công trình kè chống sạt lở”, ông Môn nói.
Không chỉ nằm trong khu vực sạt lở, chợ đầu mối thủy hải sản do Công ty TNHH Châu Việt Long làm chủ đầu tư còn nằm trong Dự án quy hoạch chỉnh trị dòng chảy – dự án kè chống sạt lở bờ sông TP Long Xuyên, đặc biệt là Tiểu dự án 5.
Trước đó, để được cấp phép đi vào hoạt động, UBND tỉnh An Giang yêu cầu Công ty TNHH Châu Việt Long phải cam kết tự tháo dỡ, di dời không bồi hoàn khi Tiểu dự án 5 đi vào triển khai thực hiện.
Ngay trong giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của Phòng TN-MT TP Long Xuyên do ông Nguyễn Bảo Sinh (thời điểm đó là Trưởng phòng TN-MT) ký ngày 11-9-2015, cũng yêu cầu Công ty TNHH Châu Việt Long thực hiện cam kết tự di dời không bồi hoàn khi “Tiểu dự án 5 thuộc Quy hoạch chỉnh trị dòng chảy” triển khai thực hiện (trích thông báo số 181/TB-VPUBND ngày 29-6-2016 của Văn phòng UBND tỉnh An Giang).
“Đúng quy định thì khi có sự cố hư hỏng đường cống, hệ thống thu gom xử lý nước thải thì chợ đầu mối thủy hải sản phải ngừng hoạt động để sửa chữa, chứ không phải vừa hoạt động vừa sửa chữa như vậy”, Trưởng Phòng TN-MT TP Long Xuyên Huỳnh Lê Phong nói.