Sâu đậm những lời thề Trường Sa

Ðến với quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, ấn tượng không thể quên với chúng tôi có lẽ là lời thề của những người lính biển đang ngày đêm gìn giữ biên cương giữa muôn trùng sóng gió.
0:00 / 0:00
0:00
Diễu binh trên đảo Trường Sa.
Diễu binh trên đảo Trường Sa.

Điểm tựa Việt Nam giữa trùng khơi

Trong năm 2023, chúng tôi đã có dịp cùng đoàn công tác số 10 đến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 trong Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương do Quân chủng Hải quân và Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức. Tại đảo Trường Sa, đoàn công tác số 10 đã được tham dự lễ chào cờ và màn diễu binh đặc biệt của các chiến sĩ trên đảo.

Hầu như ai được đến Trường Sa thì đều xúc động mạnh với buổi Lễ chào cờ. Giữa cái nắng khốc liệt ở Trường Sa, những người lính “mình đồng da sắt” đã diễu binh hùng hậu trong không gian mênh mông trời biển. Sự rắn rỏi, cương nghị thể hiện trong từng bước chân của những người lính. Các đội diễu binh với những bước chân sải dài vững chãi toát lên khí chất của người lính Trường Sa với ý chí, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Giữa trời cao biển rộng, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trong khúc nhạc quân hành, hồn đất nước như đang hiện hữu trong tâm mỗi người. Trong giây phút linh thiêng, Trung úy Tôn Chí Quân (Phân đội 2, đảo Trường Sa) bước lên lễ đài, dõng dạc hô vang 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam. “Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc:...”, Trung úy Tôn Chí Quân bắt đầu đọc 10 lời thề.

Đó là những lời thề sắt son với Tổ quốc với nhân dân, sẵn lòng hy sinh tất cả vì Tổ quốc... Sau mỗi lời thề, tất cả các chiến sĩ đồng thanh hô “Xin thề!” vang vọng cả biển trời.

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng đảo, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết, 100% cán bộ, chiến sĩ ở đảo luôn sống với tinh thần chấp nhận khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh nhiệm vụ thiêng liêng đó, lực lượng trên đảo còn tham gia cứu hộ, cứu nạn, khám và điều trị bệnh cho hàng nghìn lượt ngư dân; hỗ trợ lương thực, thực phẩm miễn phí và kịp thời giúp các tàu cá đánh bắt hải sản thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Thượng tá Phạm Thế Nhương khẳng định, thời gian tới dù tình hình khu vực quần đảo diễn biến phức tạp, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng quân và dân huyện đảo luôn đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống; tiếp tục thực hiện tốt chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”.

Những chiến sĩ trẻ thuộc thế hệ Z luôn bày tỏ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Dù ở đây việc kết nối với gia đình chỉ bằng sóng điện thoại; hằng ngày đối mặt nắng gió, bão và cả những hiểm nguy rình rập ngoài khơi xa, nhưng các chiến sĩ trẻ luôn vững vàng mạnh mẽ. Họ luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Anh lính trẻ Phạm Tuấn Anh (21 tuổi, quê Ninh Bình), công tác ở đảo Sinh Tồn Đông chia sẻ, dù cuộc sống ở đây còn nhiều khó khăn so với đất liền, nhiều lúc nhớ nhà; nhớ đất liền, nhưng nghĩ đến nhiệm vụ thiêng liêng mình đang thực hiện, thấy tình cảm cá nhân chỉ là chuyện cỏn con. Còn anh Hoàng Văn Tinh (22 tuổi, quê Thái Bình) thì bày tỏ, có phải ai muốn là được trở thành lính đảo đâu. Em luôn thấy may mắn khi một phần thanh xuân của mình cống hiến cho Trường Sa.

“Chúng tôi yêu Trường Sa”

Đoàn công tác số 10 đã có may mắn được lên thăm cán bộ, chiến sĩ ở Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần. Hơn 200 đại biểu trên tàu KN 390 đã được đặt chân lên nhà giàn, một cột mốc biên cương trên Biển Đông, với những cảm xúc không thể nào quên.

Sâu đậm những lời thề Trường Sa ảnh 1

Nhà giàn DK1. Ảnh | THẾ ĐẠI

Đây là nhà giàn từng bị cơn bão số 10 quật đổ năm 1990. Trong cơn cuồng phong với những đợt sóng dâng cao tới 14-15m, có 3 cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại với Biển Đông. Điều xúc động là các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn vẫn kiên trung bám trụ làm việc, giữ liên lạc và kỷ luật quân đội đến phút cuối cùng. Các anh đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ thềm lục địa phía đông nam của Tổ quốc.

Đặt chân lên nhà giàn, chứng kiến cảnh trên đầu là bầu trời bao la rộng lớn, dưới chân là nước Biển Đông mênh mông, chúng tôi mới cảm nhận được sự nguy hiểm, gian lao mà các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bám trụ. Họ ở chơ vơ giữa biển, không chỉ sống xa gia đình mà còn sống trong một điều kiện khác xa cuộc sống ở đất liền: không điện thoại, không internet, không đồ ăn tươi, thậm chí không có cả cảm giác được tham gia giao thông...

Thế nhưng, những cán bộ chiến sĩ trên nhà giàn vẫn sống lạc quan, yêu đời và khắc phục mọi khó khăn để ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc. Gặp chúng tôi, các anh chỉ mải mê chia sẻ về những khát vọng, cách giúp người dân vươn khơi bám biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Với các anh, hiểm nguy, khó khăn, gian nan chỉ là thử thách tôi luyện thêm ý chí, quyết tâm. Họ ôm đàn hát vang Khúc quân ca Trường Sa, bài hát truyền thống của đảo: Ngày qua ngày, đêm qua đêm. Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương...

Đến nhà giàn, các đại biểu cũng được chứng kiến vẻ đẹp kiêu hùng, vững chãi của các công trình khẳng định chủ quyền của đất nước trên Biển Đông. Dòng chữ “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên nóc nhà giàn như khắc vào tâm trí. Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần và các nhà giàn đang hiện diện kiên cường giữa biển khơi sóng gió, chính là những cột mốc chủ quyền mang hồn thiêng đất nước, nhắc nhở mỗi chúng ta về tình yêu và trách nhiệm đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Dấu ấn sâu sắc nhất và niềm xúc động trào dâng trong lòng mỗi người là lúc con tàu KN 390 bắt đầu nhổ neo rời đi. Con tàu từ từ đi vòng quanh nhà giàn để chào tạm biệt. Lúc này, các ca sĩ của đoàn công tác được thông báo vào khoang chỉ huy của tàu để hát qua tiếng loa, tạm biệt các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn. Tuy nhiên, ở đây tiếng hát cũng chưa đủ lớn để vượt qua tiếng sóng mang tới nhà giàn. Vậy là đoàn nghệ sĩ cùng các đại biểu đã ùa ra mạn tàu, cùng hét lớn: “Đất liền yêu nhà giàn”. Lập tức vọng lại từ nhà giàn, chúng tôi cũng nghe rõ tiếng hét của cán bộ, chiến sĩ: “Nhà giàn yêu đất liền”... Rồi tiếng hét cứ xa dần, xa dần cho đến khi không còn nghe thấy nữa...

Cảm xúc này khi chia tay cán bộ, chiến sĩ ở đảo Trường Sa cũng thế, dù cơn mưa đang nặng hạt nhưng toàn bộ các chiến sĩ của đảo vẫn ra âu cảng vẫy tay tạm biệt chúng tôi. Họ cứ đứng mãi, hát vang Đời mình là một khúc quân hành... để gửi niềm tin cho những người ở đất liền và hô vang: “Trường Sa yêu đất liền”. Đoàn công tác cũng không khỏi xúc động, đã có những giọt nước mắt rơi, mặn mòi xen lẫn trong từng tiếng hét lớn: “Chúng tôi yêu Trường Sa”. Lời thề và những tiếng hét ấy đã theo chúng tôi về đất liền và sẽ mãi còn vang vọng trong tâm trí mỗi người, để thấy Trường Sa không xa và nhân lên quyết tâm “Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì Tổ quốc”.