Đàm luận

Nước lã ra sông

Người xưa nói “nước lã ra sông”, có ý rằng, bao nhiêu công sức đều trở thành vô ích nếu làm ăn thiếu tính toán, nếu lãng phí, ném tiền qua cửa sổ. “Người nay” thì bảo nhau rằng, làm gì cũng phải cân đối thu chi, chớ nên “bóc ngắn cắn dài”, dành vốn để tái sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai nằm trong danh sách 57 dự án trọng điểm đang kéo dài, gây lãng phí. Ảnh | NGỌC THANH
Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai nằm trong danh sách 57 dự án trọng điểm đang kéo dài, gây lãng phí. Ảnh | NGỌC THANH

Tiết kiệm, chống lãng phí là chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay, chuyện mai sau, chuyện quốc gia và chuyện thế giới. Những nước giàu có cũng là những nước thực hành phòng, chống lãng phí bài bản, triệt để. Người Mỹ có một tổng kết hay, người giàu mua tài sản, người trung lưu mua tiêu sản, người nghèo chỉ toàn chi phí. (Tiêu sản là những gì bạn bỏ tiền ra mua, rồi sau đó lại tiếp tục bỏ tiền ra nuôi). Người Nhật nêu ra bảy cách tiết kiệm trong thời kinh tế số, trong đó cách đầu tiên là tiết kiệm trong ăn uống: Không bỏ thừa thức ăn; tối giản đồ dùng trong nhà; tận dụng chương trình khuyến mãi; di chuyển bằng phương tiện công cộng; gửi tiết kiệm ngân hàng; quý trọng thời gian; tiết kiệm năng lượng.

Xem ra, cả bảy cách này người Việt đều có thể học và làm theo. Truyền thống của dân tộc ta từ ngàn xưa cũng tương tự như vậy, mặc dù khi đó nền kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp. Cha ông ta khuyên nhủ: “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu”; “Làm ngày nắng, ăn ngày mưa/Làm ngày xưa, ăn bây giờ”; “Làm khi lành để dành khi đau”... Từ khi Đảng ta ra đời, từ khi nước Việt Nam mới được ghi tên trên bản đồ thế giới, đất nước liên tục trải qua các cuộc chiến tranh, phải vừa kháng chiến vừa kiến quốc, việc thắt lưng buộc bụng, chống lãng phí của công càng trở nên thiết thân.

Trong những năm qua, cùng với những việc làm tốt, vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém. Nhưng trước hết xin được nhắc tới những câu chuyện tích cực. Gần đây, dân ta rất hoan nghênh Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định dừng việc huấn luyện diễu binh, diễu hành trong Lễ Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội ta. Kế đó Thủ đô Hà Nội cũng dừng việc bắn pháo hoa chào mừng 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Cả hai sự việc đều xuất phát từ lý do, tiết kiệm để dành kinh phí chia sẻ với những mất mát, khó khăn, giúp nhân dân các địa phương vùng bị ảnh hưởng do bão số 3 và lũ lụt gây ra khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống.

Có thể nêu nhiều dẫn chứng khác, những việc làm tiết kiệm, chống lãng phí rất được lòng dân. Đấy là khi “nhìn phía trước, nhìn sang bên phải”. Còn khi “nhìn trước ngó sau” thì thấy lắm điều phiền muộn. Tình trạng “ném tiền qua cửa sổ”, “vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy”... xảy ra ở nhiều nơi. Trong một báo cáo của Quốc hội đã thẳng thắn chỉ rõ, có hàng nghìn dự án sử dụng vốn Nhà nước có biểu hiện lãng phí; tổng số tiền thất thoát trong 5 năm lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng; hàng chục nghìn ha đất, trong đó có “đất vàng” ở đô thị, sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật. Thật là những con số đau xót!

Còn ở Bạc Liêu, một tỉnh phía nam Tổ quốc, cũng có câu chuyện hay về tiết kiệm chi. Đó là việc Chủ tịch UBND tỉnh này quyết định, người quản lý, nhân viên một Công ty Xổ số kiến thiết dừng việc đi tham quan, nghỉ mát ở châu Âu. Lý do là, chưa phù hợp khi người dân còn nghèo, đời sống chưa mấy dư dả. Nên dành số tiền đó vào những việc thiết thực hơn, như tổ chức du lịch trong nước, hỗ trợ các gia đình khó khăn, nâng cao mức thưởng cho các đại lý có doanh thu cao.

Ở đâu người ta cũng nói trơn tru rằng: “Tiết kiệm là quốc sách”, “Tham nhũng, lãng phí là giặc nội xâm”. Đấy là nói, khoảng cách với làm lại rất xa. Có những sự lãng phí không phải là tiền triệu mà là tiền tỷ, nhiều tỷ đồng, kéo dài năm này qua năm khác. Nó là hậu quả của căn bệnh thích oai, thích xài sang, nặng về phô trương, hình thức. Trụ sở cơ quan phải to, phải hoành tráng, ô-tô phải đời mới đắt tiền, đến biên chế cơ quan cũng phải nhiều tầng nấc, lắm cục, nhiều phòng, quân đông thì “tướng” mới oai (!).

Tôi đã dự một hội nghị đón danh hiệu thi đua cấp huyện mà có tới vài trăm lẵng hoa chúc mừng. Trong khi đó, nhiều năm nay, các Hội nghị Trung ương thường không thấy hoa trên bục phát biểu, trên Đoàn Chủ tịch và trên bàn đại biểu. Đây cũng là tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Đến cái biển tên đại biểu tới dự cũng cần phải chấn chỉnh. Một lễ hội văn hóa ngoài trời sao phải bày ra hàng trăm cái biển tên xanh xanh đỏ đỏ. Tốn kém không ít. Ấy là chưa nói, có những người “dính chàm” không xứng đáng ngồi sau cái biển ấy (!).

Nước lã ra sông ảnh 1

Sau 10 năm khởi công, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 chưa từng tiếp nhận bệnh nhân. Ảnh | VĂN GIANG

Ngẫm ra thấy việc sáp nhập các huyện, xã, tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế chúng ta đã và đang làm, sẽ làm, thật là ích nước lợi nhà.

Cũng nên bàn thêm về tiết kiệm thời gian. Chúng tôi đã có dịp hỏi chuyện các vị nhiều kinh nghiệm, chữ nghĩa, hiểu văn hóa Việt, vì sao dân mình lại hay trễ giờ? Có nhiều cách lý giải, nhưng căn nguyên sâu xa xuất phát từ nếp sản xuất nhỏ, nếp sản xuất thời con trâu đi trước, cái cày đi sau. Cha ông ta từ ngàn xưa quen tính thời gian “đêm năm canh ngày sáu khắc”. Nghe gà gáy biết canh ba, canh tư, nhìn bóng nắng cây cau biết đã non trưa. Tính ước lượng lâu dần thành thói quen bê trễ thời gian. Về sau này thì nếp làm việc, họp hành thời bao cấp, thời dong công phóng điểm ở nông thôn cũng không cần phải căn ke thời gian. Tất cả là tính công, là đếm người tham gia, rất khó lượng hóa công việc, chất lượng họp hành. Trong các công sở, không ít nơi cán bộ, nhân viên có mặt đầu giờ nhưng giữa giờ thì vắng mặt. Họ nháy nhau đi cà-phê, mua sắm, thăm thú... thôi thì muôn kiểu tụ bạ.

Tình hình mới đòi hỏi tư duy mới, tác phong công nghiệp xin hãy bắt đầu từ nếp làm việc đúng giờ. Lãng phí chất xám không phải là chuyện gì cao xa mà bắt đầu từ việc bớt xén thời gian. Cố nhiên, vẫn phải có giải pháp để “quản lý cái đầu”, không quản lý cái chân. Nhưng những cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ quan tiếp dân mà trễ giờ, mà mải mê lướt mạng, bàn đủ thứ chuyện từ xu hướng “nghiện bắt trend” đến thiên văn, địa lý, trao giải Nobel... để người dân mỏi cổ chờ thì không thể nói là “chính quyền số” được. Trở lại câu chuyện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hẳn bạn đọc còn nhớ, ngày 3/9/1945, chỉ một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ để bàn những nhiệm vụ cấp bách. Trước tình hình nạn đói hoành hành, Bác Hồ đã viết bài “Sẻ cơm nhường áo” đăng trên Báo Cứu quốc. Người đề nghị với đồng bào cả nước và chính Người gương mẫu thực hành trước: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói”. Chuyện tiết kiệm mà Bác nêu ra và gương mẫu làm trước thật là thiết thực, cảm động.

Trong tình hình hiện nay càng phải tiếp tục thực hiện chủ trương nhất quán, chống lãng phí để tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân. Công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Vì thế, sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Chống lãng phí”, đã được sự quan tâm, hưởng ứng của đồng bào cả nước. Có nhiều ý kiến phân tích, làm sáng rõ những tư tưởng, quan điểm của tác giả và đặc biệt là những giải pháp thực hiện. Trong đó, nhấn mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về chống lãng phí cần đổi mới, quyết liệt hơn nữa. Tập trung vào ba vấn đề chủ yếu là, lãng phí lao động, lãng phí thời gian, lãng phí tiền của.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn gắn với cải cách hành chính và bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức. Đương nhiên, phải chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Vì tham nhũng - lãng phí là cặp bài trùng. Nhiều khi chúng vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của nhau. Đồng tiền vào túi một cách bất chính thì nó sẽ được ném đi theo cách của kẻ trọc phú.

Chuyện cổ kể rằng: Một người trẻ tuổi tìm đến gặp ông nhà giàu. Anh ta xin ông chỉ bảo cách làm giàu. Ông nhà giàu nói ngay: “Để tôi tắt bớt một cái đèn đã”. Lại có câu chuyện ngược với chuyện này, có anh chàng tối trí đã bật 10 que diêm để tìm que diêm bị rơi trong đêm tối. Thì ra bài học đầu tiên là tiết kiệm. Tiết kiệm một cách cụ thể và thực chất, chứ không dừng ở những lời khuyên răn. Tiết kiệm như thế là để giữ lấy vàng ngọc trong nhà mà mình đã mất bao nhiêu mồ hôi mới có được. Xin chớ để “nước lã ra sông”!