Ngăn chặn chiêu trò đầu cơ, thổi giá để trục lợi
Phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản (TTBĐS), hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để phát triển và vận hành thông suốt TTBĐS, đẩy mạnh phát triển nhà ở, đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội là định hướng quan trọng được xác định tại nhiều văn kiện của Đảng. Công tác ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý TTBĐS và phát triển nhà ở xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Giai đoạn 2015-2023, TTBĐS đã có những bước phát triển về quy mô, loại hình, số lượng, hình thức huy động vốn và các chủ thể tham gia; tạo ra khối lượng lớn cơ sở vật chất cho xã hội, giúp cho các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển và nâng cao điều kiện sống cho các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, tăng trưởng kinh tế của đất nước, đồng thời góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân. Đến cuối giai đoạn giám sát, có khoảng hơn 3.363 dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị đã và đang triển khai thực hiện với quy mô sử dụng đất hơn 11.191 ha, 373 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với quy mô 193.920 căn. Tuy nhiên, TTBĐS và nhà ở xã hội còn nhiều tồn tại, bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu; giá bất động sản còn cao so với thu nhập của đa số người dân; nhiều khu đô thị bỏ hoang; quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập; chưa có phương án xử lý, giải quyết hiệu quả các khu chung cư cũ không bảo đảm điều kiện sống cho người dân; nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm được triển khai.
Một số quy định pháp luật về TTBĐS và nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa đồng bộ, thiếu cụ thể, chi tiết, chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung; các quy hoạch chậm được ban hành, chưa bảo đảm tầm nhìn dài hạn. Tình trạng chậm định giá đất khiến nhiều dự án bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa đủ năng lực tài chính, thiếu kinh nghiệm triển khai dẫn đến dự án kém hiệu quả…ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) chỉ rõ căn nguyên quy hoạch còn thiếu đồng bộ và thủ tục đầu tư khá phức tạp làm chậm tiến độ, đội chi phí các dự án bất động sản, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đông đảo cử tri lo lắng trước hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá nhà đất tại một số khu vực ở thành phố tăng bất thường, phi thực tế khiến nhiều người phải tạm gác lại ý định mua nhà. ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phản ánh thủ đoạn trục lợi của một số hội nhóm đầu cơ, nhà đầu tư là đẩy giá lên cao chót vót tại các phiên đấu giá đất, đến thời hạn nộp tiền thì sẵn sàng bỏ cọc nhằm thiết lập mặt bằng giá mới cho những mảnh đất trong khu vực mua gom trước đó và đã thu được siêu lợi nhuận. Hệ lụy là nhiều người dân cần nhà ở thật sự rất khó có thể mua được, trong khi không ít người có tiền lại đang găm vào đất hy vọng kiếm lời và các doanh nghiệp càng khó khăn hơn trong giải phóng mặt bằng, chi phí sản xuất, kinh doanh đang bị đội lên nhiều lần đi theo kết quả đấu giá đất. Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đặt câu hỏi phải chăng có vấn đề lợi ích nhóm, dấu hiệu làm lũng đoạn, thao túng và thổi giá, tạo ra bong bóng của một nhóm lợi ích?
Đại biểu Quốc hội phát biểu đóng góp ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Ảnh trong bài | DUY LINH |
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) nhấn mạnh, giá bất động sản cao nhưng vẫn tiếp tục tăng do người mua nhà không chỉ để ở mà còn là một kênh tích lũy tài sản dẫn đến có nhiều người mua, tạo ra một vòng xoáy là giá càng tăng thì càng nhiều người mua và giá lại càng tăng, như vậy sẽ đẩy đầu cơ bất động sản tăng lên. Những năm qua do vướng mắc các thủ tục pháp lý nên hầu hết dự án bất động sản đầu tư phải dừng lại, nguồn cung khan hiếm, cầu tăng lên đương nhiên dẫn đến tăng giá. Để các doanh nghiệp bất động sản không lợi dụng khi thị trường khan hiếm nguồn cung đưa ra giá bán cao bất thường, cần thực hiện ngay Điều 31 của Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có sự biến động giá bất thường; đưa hàng hóa bất động sản của các doanh nghiệp bán ra lần đầu trên thị trường thứ cấp thuộc đối tượng phải kê khai giá, nghiên cứu thí điểm tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cơ chế quản lý sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp để sàn giao dịch trở thành công cụ quản lý minh bạch thị trường.
Theo các ĐBQH, cần có giải pháp đột phá tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, có chính sách ưu đãi, đủ sức hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại phù hợp túi tiền của phần đông người lao động. Để ngăn chặn tình trạng bỏ giá cao bất thường rồi bỏ cọc, cần bổ sung quy định người tham gia đấu giá phải minh chứng được năng lực về tài chính có thể mua được tài sản đó sau khi trúng đấu giá bằng việc xác nhận các khoản như tiền gửi ngân hàng hoặc các tài sản khác và phải cam kết nếu trúng đấu giá bỏ cọc sẽ bị xử lý, tăng tiền đặt cọc lũy tiến theo từng vòng đấu giá...
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy lưu ý các địa phương khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, ngoài việc phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm giá để tính giá khởi điểm, trong quy chế đấu giá có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá và bổ sung quy định công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc.
Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội
Việc thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” chưa đạt yêu cầu, đa số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội. Chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa khuyến khích, thu hút nhà đầu tư tham gia, bố trí, huy động vốn phát triển nhà ở xã hội còn khó khăn, xét duyệt đối tượng và xác minh điều kiện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội nhiều thủ tục phức tạp, rườm rà… Nhiều tồn tại, hạn chế đã được thẳng thắn chỉ rõ qua báo cáo kết quả giám sát và ý kiến phát biểu của các đại biểu.
Đa số các dự án nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, nguồn cung còn hạn chế. ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đề xuất bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước tương xứng và có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích thiết thực hơn để thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp với giá cả hợp lý, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị quy hoạch bảo đảm ít nhất có 30% diện tích đất phát triển bất động sản tại các khu đô thị mới được ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội.
Thực tế đòi hỏi khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để rút ngắn thời gian thực hiện các dự án đầu tư nhà ở xã hội và ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình trục lợi chính sách. Đa dạng hóa các sản phẩm nhà ở xã hội và các hình thức thuê, cho thuê, thuê mua, mua với giá cả hợp lý, tăng phân khúc nhà ở cho thuê, hình thành quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Theo ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang), Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội với thời hạn có thể 10 đến 20 năm, lãi suất ưu đãi thấp từ 3 đến 5% so với cho vay thương mại thông thường để đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có cơ hội và động lực để mua nhà ở. ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) mong muốn hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân ở các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp, công nhân lao động tiếp cận với vốn vay mua nhà.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm hằng năm của từng địa phương.
Hy vọng với các giải pháp mạnh, đồng bộ, kịp thời, thị trường bất động sản sẽ trở về thực tại theo giá thị trường, phù hợp điều kiện, mức sống, thu nhập của người dân, chấm dứt những cơn sốt ảo, để ước mơ an cư lạc nghiệp không còn quá xa vời.