Chiều 28/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh cho biết, đối với công tác hậu cần, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo bảo đảm chu đáo, trang trọng, tiết kiệm, an toàn nhất. Tỉnh Sơn La cũng đã chủ động các phương án, nội dung bảo đảm công tác y tế, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh Covid-19 phục vụ chuỗi sự kiện; bố trí nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư y tế và cơ số thuốc thiết yếu.
Tỉnh Sơn La cũng đã chủ động các phương án bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự trước, trong và sau thời gian diễn ra các hoạt động của sự kiện. Hướng dẫn quản lý các phương tiện bay, flycam, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình diễn ra chuỗi sự kiện.
Trong đó, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, chỉnh trang, làm sạch, đẹp đô thị tại các địa điểm tổ chức chuỗi các sự kiện, các hoạt động của Festival cũng đã được chuẩn bị chu đáo...
Thông tin thêm về sự kiện lớn diễn ra tại Sơn La, ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân Sơn La cho biết: “Tham gia chuỗi kiện lần này, Sơn La đã thu hút được hơn 1.300 sản phẩm là đặc sản vùng miền như các loại trái cây tươi, sản phẩm chế biến, sản phẩm OCOP đã được giới thiệu tại các gian hàng số để sẵn sàng phục vụ các yêu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Chỉ riêng trong tháng 5, sàn thương mại điện tử Postmart cũng đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 100 tấn mận Sơn La, giúp bà con nông dân đưa trái mận đến với tay người tiêu dùng trên cả nước”.
Hơn 400 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm nay được chia thành các khu vực với chủ đề khác nhau như: “Nông sản Việt và sản phẩm OCOP - vươn ra Thế giới”; “Thành tựu phát triển nông nghiệp Việt Nam”; “Thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và tiềm năng của tỉnh Sơn La; Ngày hội làng Việt; không gian văn hóa ẩm thực miền sơn cước… Các sản phẩm trái cây, nông, lâm, thủy sản được các địa phương trưng bày công phu, đặc sắc, thể hiện nét đặc trưng riêng của từng địa phương ở mỗi gian hàng.
Tham dự Festival lần này, các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ mang đến những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và các sản phẩm tiêu biểu, chất lượng cao như: Trà hoa vàng, sâm nam núi… của tỉnh Bắc Giang; các sản phẩm dược liệu, gạo Séng Cù, chè của tỉnh Lào Cai; vải thiều của Bắc Giang, xoài Cát Cần Giờ của Thành phố Hồ Chí Minh…
“Tỉnh Sơn La đã lựa chọn hơn 200 mặt hàng nông, lâm, thủy sản của 12 huyện, thành phố tham gia trưng bày. Trong đó, có hơn 70 sản phẩm OCOP gồm nông sản tươi sống và nông sản chế biến; các loại đồ uống; các sản phẩm có thành phẩm từ cây dược liệu, làm từ bông, sợi, gỗ, kim loại, dệt may…”, ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân Sơn La thông tin thêm.
Ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Lào Cai cho biết: “Tham gia Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm nay, tỉnh Lào Cai mang đến gần 100 sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP. Sản phẩn OCOP của Lào Cai có đặc trưng riêng của vùng, miền, vì tỉnh Lào Cai có địa hình, khí hậu khá đa dạng cùng văn hóa đặc sắc của 25 dân tộc anh em. Do đó, các dòng sản phẩm OCOP dựa trên ý tưởng mỗi xã, phường một sản phẩm, chúng tôi xây dựng lên các câu chuyện về các sản phẩm OCOP của Lào Cai”.