Sài Gòn - Gia Ðịnh trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Trong lịch sử oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta ở thế kỷ 20, Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt lớn của cuộc trường chinh vĩ đại. Nó đã làm cho cả nước Mỹ rúng động, lan rộng ra cả thế giới, làm cho chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ bị phá sản, làm lung lay ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi lại bàn đàm phán tại Paris, mở ra khả năng cho ta thực hiện chiến lược "Ðánh cho Mỹ cút", tiến tới "đánh cho ngụy nhào", giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

40 năm trôi qua, với biết bao công trình tổng kết, nhiều hội thảo khoa học, công trình nghiên cứu, đánh giá, phân tích nhiều khía cạnh khác nhau với những cách tiếp cận khác nhau. Nhưng ý nghĩa trên đây của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 sẽ mãi mãi tạc vào lịch sử như một tượng đài bất tử. Song cũng từ những cuộc hội thảo khoa học, từ các công trình nghiên cứu và ngay trong tâm trí suy nghĩ của cả những nhân chứng lịch sử vẫn còn có những ý kiến khác nhau, thậm chí có ý kiến đánh giá khá gay gắt về kết quả, vai trò, vị trí của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.

Sài Gòn - Gia Ðịnh là địa bàn đặc biệt, là thủ phủ của các cơ quan đầu não của bộ máy chiến tranh của Mỹ - ngụy, địa bàn trung tâm, trọng yếu trong hơn 40 thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền là mục tiêu lựa chọn của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968,  chắc chắn cũng còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Ðể góp phần vào công việc đó, trong khuôn khổ của một tham luận khoa học, tôi xin đề cập một số vấn đề sau:

1- Từ "Kế hoạch X" đến Tổng tiến công và nội dậy Xuân Mậu Thân trên chiến trường trọng điểm Sài Gòn - Gia Ðịnh

Do thế và lực cách mạng ngày càng phát triển sau những chiến thắng trong cuộc "chiến tranh đặc biệt", vào những tháng cuối năm 1964 đầu 1965, cục diện chiến trường đã xuất hiện khả năng giành những thắng lợi lớn. Ðồng chí Nguyễn Văn Linh và đồng chí Nguyễn Chí Thanh xuống khu Sài Gòn - Gia Ðịnh cùng Khu ủy chỉ đạo kế hoạch chuẩn bị tiến công quân sự vào một số mục tiêu quan trọng trong thành phố kết hợp với nổi dậy của quần chúng, làm phá sản chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của địch. Ðó là kế hoạch của mùa khô 1964-1965, thường gọi là "Kế hoạch X". Tháng 4-1965, tại Suối Dây (Tây Ninh) Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh họp quán triệt Nghị quyết Trung ương lần thứ 11 và triển khai nhiệm vụ theo "Kế hoạch X", chuẩn bị tích cực để thắng địch ở mức cao nhất trong thời gian tương đối ngắn. Quân khu Sài Gòn - Gia Ðịnh được giao nhiệm vụ xây dựng một lực lượng biệt động mạnh, có tổ chức thống nhất, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để có thể cùng một lúc bất ngờ công kích chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn - Gia Ðịnh  khi có thời cơ chiến lược. Ðoàn biệt động F100 ra đời để đáp ứng nhiệm vụ ấy. 25 mục tiêu được lên danh mục và xếp "loại A" mà sau này chín mục tiêu trong số đó được chọn là điểm tiến công vào mùa Xuân Mậu Thân 1968. Công tác bảo đảm phải chuẩn bị vũ khí, phương tiện đi lại cho một loạt mục tiêu đã định. Do vậy A20 và A30 được hình thành, bảo đảm vận chuyển vũ khí từ căn cứ ngoài vào nội thành (A20) và cất giấu vũ khí tại các cơ sở (A30). Ðồng thời xây dựng các "lõm căn cứ" ngay trong nội thành và vùng ven, đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. "Kế hoạch X" đang chuẩn bị thì Mỹ đổ quân vào (ở Ðông Nam Bộ đầu tiên là Lữ đoàn dù 173 vào tháng 5-1965), chuyển sang thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ". Phương án giành thắng lợi quyết định để kết thúc chiến tranh trong thời kỳ "chiến tranh đặc biệt" cũng như "Kế hoạch X" không thực hiện đến cùng, song nó vẫn được tiếp tục để chuẩn bị cho một cuộc tiến công mới khi có thời cơ, và ấy là Tết Mậu Thân 1968.

Tháng 5-1967, Bộ Chính trị họp đưa ra chủ trương chiến lược chuyển cuộc kháng chiến lên một bước mới nhằm giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn.

Quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngay từ tháng 10-1967, Trung ương Cục miền Nam và Bộ chỉ huy Miền đã chỉ đạo quân và dân trên các chiến trường ra sức chuẩn bị mọi mặt cho "Tết Mậu Thân" 1968. Trên cơ sở đó, tháng 10-1967, Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh tổ chức hội nghị  mở rộng để tiếp thu Nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương Cục, đề ra kế hoạch, mục tiêu tổng tiến công và nổi dậy, nhằm thực hiện hai nhiệm vụ lớn: Ðánh chiếm các căn cứ đầu não của địch tại Sài Gòn và phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền.

Về quân sự được tổ chức thành ba khối: Khối biệt động, Khối các phân khu, Khối chủ lực miền. Trong đó, khối biệt động gồm cụm 3-4-5, cụm 6-7-9, cụm 1-2-8 với hơn 100 chiến đấu viên có nhiệm vụ tiến công vào các mục tiêu đầu não của địch như: Dinh Ðộc lập, Ðại sứ quán Mỹ, Ðài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân...; khối phân khu gồm các lực lượng vũ trang phân khu và được tăng cường thêm 15 tiểu đoàn chủ lực khác trong đó có Tiểu đoàn 1 Quyết thắng, Tiểu đoàn 3 Gò Vấp - Hóc Môn, Tiểu đoàn 3 Dĩ An, Tiểu đoàn 4 đặc công Gia Ðịnh... có nhiệm vụ tiếp ứng cho các đơn vị biệt động chiếm lĩnh mục tiêu trong nội đô; khối chủ lực miền có ba sư đoàn bộ binh 5-7-9, một sư đoàn pháo binh, một trung đoàn bộ binh 88 và một số lực lượng thuộc các binh chủng khác có nhiệm vụ tiến công các căn cứ của địch và ngăn chặn không cho chúng về ứng cứu Sài Gòn.

Ðể thực hiện nhiệm vụ nổi dậy, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, ngay từ đầu năm 1967, nhiều cán bộ đảng được bí mật tăng cường vào đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn nhằm điều nghiên mục tiêu, gầy dựng cơ sở, cất giấu vũ khí, in truyền đơn, viết khẩu hiệu... chuẩn bị cho những mục tiêu lớn. Trên cơ sở đó, gần 400 cơ sở cách mạng, "lõm chính trị", kho vũ khí bí mật được hình thành  ngay trong lòng đô thành Sài Gòn, điển hình như ở Nhi tỳ Quảng Ðông, đường Trần Quốc Thảo (quận 3), Cao Ðạt (quận 5), Minh Phụng, Cây Gõ (quận 6), Trường đua Phú Thọ (quận 11). Từ tháng 6-1967, Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh tổ chức cho cán bộ đảng viên nội thành học tập nghị quyết Quang Trung, sau đó chia lực lượng Thành Ðoàn thành ba nhóm chính: Nhóm vũ trang, nhóm vũ trang tuyên truyền và nhóm chính trị công khai. Trong đó nhóm vũ trang có nhiệm vụ làm "thê đội 2" cho biệt động tiến công vào các mục tiêu quan trọng của địch trong nội đô; nhóm vũ trang tuyên truyền có nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền phát động quần chúng diệt ác phá kềm, kiểm soát các địa bàn cơ sở; nhóm chính trị công khai có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng thứ ba, với các giới, tuyên truyền, vận động quần chúng nổi dậy tiếp ứng cho lực lượng vũ trang nhằm chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng đã định sẵn. Bên cạnh đó, lực lượng quần chúng yêu nước nhất là nhân sĩ, trí thức được các tổ chức đảng như trí vận, Hoa vận, công vận, phụ vận,... bí mật vận động, tập hợp trong các tổ chức công khai, bán công khai như Tổng hội Sinh viên, Tổng đoàn Học sinh, Phong trào Dân tộc tự quyết, Nghiệp đoàn ký giả, Lực lượng Quốc gia tiến bộ, Lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc, Hội Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ, Hội Ái hữu nghệ sĩ, Nghiệp đoàn giáo học tư thục Việt Nam, Nghiệp đoàn giáo chức cách mạng, Hội Ái hữu giáo chức công lập bậc tiểu học, Nghiệp đoàn giáo dục tư thục người Việt gốc Hoa, Hội Kỹ sư và kỹ thuật gia Việt Nam... Ðây chính là đội quân chính trị hùng hậu để tham gia khởi nghĩa khi Tổng tiến công về quân sự. Sinh viên, học sinh là một lực lượng chính trị quan trọng,  làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa. Kế hoạch là họ sẽ tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại vườn hoa Tao Ðàn với vài vạn người và sẽ tràn qua, tiếp ứng cho lực lượng vũ trang sau khi lực lượng vũ trang nổ súng tiến công tiêu diệt các mục tiêu. Do vậy, họ được bí mật tập dượt trước qua đêm văn nghệ Tết Quang Trung với tinh thần quyết chiến chống ngoại xâm tại Học viện Quốc gia hành chính.

Tính đến cuối tháng 12-1967, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy cơ bản đã hoàn tất. Tài lực, vật lực và lực lượng ba thứ quân của thành phố cùng với lực lượng nổi dậy đều ở tư thế sẵn sàng nhập cuộc.

Như vậy Sài Gòn - Gia Ðịnh đã "đi trước" một bước, nhờ đó mà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đợt I của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

2- Sài Gòn - Gia Ðịnh vào cuộc bằng đòn giáng phủ đầu của lực lượng biệt động thành, gây nên cú "choáng đột ngột" cho kẻ xâm lược

Ðêm 30 rạng ngày 31-1-1968, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Ðịnh đã đồng loạt tiến công các mục tiêu quan trọng của chiến trường trọng điểm; đặc biệt các cụm biệt động đã đánh vào các mục tiêu đầu não của bộ máy chiến tranh của Mỹ - ngụy tại sào huyệt của chúng. Dinh Ðộc lập, Ðại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Ðài Phát thanh, những nơi được coi là "Bất khả xâm phạm" đều bị tiến công và đã giữ được một thời gian lâu hơn nhiều so với kế hoạch.

Các tiểu đoàn mũi nhọn của các phân khu, dù phải vượt qua hệ thống đồn, bốt dày đặc của địch nhưng họ đã kịp vào thành phố phối hợp với lực lượng biệt động tiến công địch, điển hình như: Bộ Tổng tham mưu ngụy (Tiểu đoàn 2 Gò Môn); căn cứ Cổ Loa, Phù Ðổng (Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng) doanh trại của địch ở quận 5, quận 10, quận 11, Sư Vạn Hạnh, Vườn Lài, cư xá Hỏa Xa (Tiểu đoàn 6 Bình Tân); ngã tư Hàng Xanh - cầu Rạch Sơn (Tiểu đoàn 3 Dĩ An); cù lao Bình Quới Tây (Tiểu đoàn 4 Thủ Ðức); đồn Phú Hữu, Lý Nhơn (Ðoàn 10 Ðặc công Rừng Sác)... Cùng với các mũi tiến công của các đơn vị chủ lực, dân quân du kích địa phương với quy mô cấp tiểu đội, trung đội, đại đội đã kết hợp với bộ đội các phân khu tiến công vào hệ thống đồn, bốt của địch. Chỉ với súng trường, lựu đạn và mìn trái nhưng lực lượng dân quân, du kích địa phương đã tiêu diệt được một phần năm tổng số địch bị diệt của cả lực lượng ba thứ quân.

Trong đợt II Mậu Thân, các đơn vị pháo binh bắn cấp tập vào sân bay Tân Sơn Nhất, Ðại sứ quán Mỹ, Dinh Ðộc lập, Tân Cảng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tổng nha Cảnh sát... Cùng với pháo binh là các tiểu đoàn mũi nhọn thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu tại khu vực Minh Phụng, đường 46, (Tiểu đoàn 267); cầu Phan Thanh Giản, đường Tự Ðức, Thị Nghè (Tiểu đoàn 1 Phú Lợi); cầu Bình Lợi (Phân khu 5); chợ Thiếc, đường Cao Ðạt, phía bắc cầu chữ Y, Tòa Hành chính quận 5, cầu Ông Lãnh, cầu Kho, chợ Năng-xi, nam đường Trần Hưng Ðạo, quận 2, khu Bàn Cờ - quận 3, khu Xóm Chiếu - quận 4 (đội vũ trang tuyên truyền tự vệ và lực lượng vũ trang của các đoàn thể)... Ðòn giáng phủ đầu của lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Ðịnh, đặc biệt là của lực lượng biệt động thành, đã gây tiếng vang lớn, làm rung chuyển Nhà trắng và Lầu Năm góc, làm rung động cả nước Mỹ, thức tỉnh nhân dân Mỹ nhận rõ hơn về tính chất và thực trạng của cuộc chiến tranh mà chính quyền Mỹ đang thực hiện ở Việt Nam.

Sự mưu trí, quả cảm của người chiến sĩ lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Ðịnh đã góp phần "đưa cuộc chiến tranh Việt Nam từ "rừng rậm ra hè phố" đúng như lời bình của bộ phim truyền hình nhiều tập "Việt Nam thiên sử truyền hình". Và chính những hình ảnh chiến đấu trên những đường phố ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh đó đã góp phần thổi bùng lên làn sóng phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam trên toàn nước Mỹ và cả thế giới.

Tóm lại, bằng tinh thần dũng cảm vô song, mưu lược tài ba, lực lượng biệt động đã mở đầu xuất sắc cuộc tổng tiến công ở Sài Gòn - Gia Ðịnh và các đô thị, gây chấn động lớn "có thể đã lập công đầu" (1) của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Ðòn tiến công phủ đầu này của lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Ðịnh cùng với các chiến trường đô thị khắp miền Nam đã vang xa đến các nước, nhất là Mỹ và các nước lân cận, làm cho cả thế giới khâm phục Việt Nam, mở rộng và tăng cường mặt trận ủng hộ nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của Mỹ.

3- Quần chúng nhân dân với Tổng tiến công vào đô thị Sài Gòn - Gia Ðịnh

Một trong những vấn đề được trao đổi, thảo luận nhiều từ trước đến nay là trong cuộc Tổng tiến công đánh vào các đô thị miền nam vào Xuân Mậu Thân 1968 có sự nổi dậy của quần chúng không? Ở Sài Gòn - Gia Ðịnh, việc chuẩn bị nổi dậy của quần chúng đã được thực hiện như ở điểm 1 của bài viết này. Thực tế, khi lực lượng biệt động và các tiểu đoàn mũi nhọn đánh vào các cứ điểm quy định thì chưa có sự nổi dậy diệt ác phá kềm cùng lúc. Song chính quần chúng đã tham gia tích cực vào cuộc chuẩn bị cho chiến dịch và sau đó đã tham gia rất đông đảo, bao gồm nhiều giới, nhiều tầng lớp với nhiều hình thức hết sức sinh động và có hiệu quả cao.

Như trên đã nêu, trước cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, ở thành phố đã xây dựng được 19 "lõm chính trị", "lõm" căn cứ gồm 325 gia đình công nhân và lao động trung kiên. Công nhân ở một số đồn điền cao-su ở Củ Chi, Bến Cát đã dũng cảm tham gia tích cực vào công việc vận chuyển vũ khí vào nội đô để tiến công các mục tiêu đầu não của địch.

Lực lượng phụ nữ tham gia nhiều vào các đội biệt động, các thứ quân địa phương, giao liên, dân công và cứu thương. Ðặc biệt phụ nữ Sài Gòn - Gia Ðịnh đóng vai trò quan trọng trong xây dựng cơ sở chính trị trong lòng thành phố, xây dựng thế căn cứ "nhân tâm" vững chắc trong khu dân cư, trong các chợ.

Sài Gòn - Gia Ðịnh là nơi có phong trào của thanh niên, sinh viên, học sinh rất sôi nổi trong các thời kỳ đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nhất là thời chống đế quốc Mỹ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân nhiều thanh niên, sinh viên, học sinh đã cầm vũ khí sát cánh chiến đấu cùng các chiến sĩ quân giải phóng. Lực lượng Thành Ðoàn đã hoạt động mạnh ở khu xóm Bàn Cờ lịch sử, Vườn Chuối, Nguyễn Thông, Lê Văn Duyệt, khu vực chùa Ấn Quang, đường Minh Mạng v.v... Sau những tuần đầu của Tết Mậu Thân, Tổng hội sinh viên đã thành lập, Ủy ban thanh niên, sinh viên, học sinh, tập hợp hơn 500 người, cứu trợ đồng bào bị nạn. Khi bước vào đợt II, lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh tham gia càng đông và tích cực hơn, tham gia các mũi đột kích, diệt ác, rải truyền đơn, treo cờ mặt trận...

Các tầng lớp khác như giáo chức, văn nghệ sĩ và nông dân ở vùng ven đã tham gia tích cực, vừa hỗ trợ cho lực lượng vũ trang, lực lượng đấu tranh chính trị của công nhân, thanh niên, sinh viên, học sinh vừa tổ chức những hoạt động phù hợp. Thí dụ như ở ngoại thành, vùng ven, khi lực lượng vũ trang nổ súng tiến công các mục tiêu nội đô thì đồng bào đã cùng nhau gõ mõ tre, đập thùng thiếc, đốt khí đá, phát loa, treo cờ, rải truyền đơn  kêu gọi binh lính Sài Gòn bỏ súng về với gia đình.

Ðồng bào các giới đã cùng lực lượng vũ trang của các đoàn thể, các cấp tiến chiếm Tòa Hành chính ở quận 5, quận 4, thị trấn Hóc Môn, Xóm Chiếu v.v...

Rõ ràng chưa có "Tổng khởi nghĩa", song sự nổi dậy của các tầng lớp nhân dân, các giới đồng bào ở Sài Gòn - Gia Ðịnh với nhiều hình thức phong phú trong trận Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 là một sự thật lịch sử. Không có nhân dân thì không thể nắm tình hình, bộ đội không thể vượt qua các tuyến ngăn chặn dày đặc của địch để vào thành phố, không thể ém quân bí mật trong lòng thành phố, ngay gần cơ quan đầu não địch, không thể có khối lượng lớn về vũ khí để chiến đấu. Nhân dân còn trực tiếp tham gia chiến đấu, tiếp tế cơm nước cho bộ đội, che chở và nuôi dưỡng thương binh, Và, quần chúng ở nhiều nơi, nhất là sau đợt I đã tham gia nổi dậy cùng các lực lượng vũ trang đoàn thể, quận, lực lượng của các tổ chức chính trị, xã hội tiến chiếm các tòa hành chính cấp quận, cơ sở. Rõ ràng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của nhân dân ở Sài Gòn - Gia Ðịnh cũng như các đô thị ở miền nam vào Xuân Mậu Thân 1968 đã thể hiện rõ nét chân dung của chiến tranh nhân dân. Ðây thật sự là một cuộc phát động cách mạng trong quần chúng với quy mô khá lớn ngay ở sào huyệt quan trọng nhất của Mỹ - Ngụy. Ðây là kết quả chuẩn bị của một quá trình lâu dài có sự tham gia đông đảo của nhân dân, xây dựng lực lượng cơ sở chính trị song song lực lượng vũ trang theo phương châm đánh địch trên cả ba vùng chiến lược của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

(1) Nguyễn Văn Linh: Một đỉnh cao thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam (Trong sách "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968". NXB Quân đội Nhân dân - 1998 - Tr.30).