Một thế kỷ người Việt ở Vanuatu

Đất nước Vanuatu xa xôi ở Nam Thái Bình Dương nghe tên còn xa lạ với đa số chúng ta. Vậy mà ít ai biết rằng đây lại là nơi chôn nhau cắt rốn của hàng nghìn người dân Việt Nam. Người Việt từng đặt chân đến mảnh đất ấy cả trăm năm về trước, hình thành một trong những cộng đồng người Việt ở nước ngoài đầu tiên trong lịch sử. Ngày nay, con cháu của họ vẫn tiếp tục sinh sống tại nơi được mệnh danh là xứ sở hạnh phúc nhất thế giới này.

Người lao động Việt Nam tại Tân Đảo, đàn ông cầm gậy dài để hái dừa.
Người lao động Việt Nam tại Tân Đảo, đàn ông cầm gậy dài để hái dừa.

Trước khi độc lập vào năm 1980, Vanuatu có tên là New Hebrides. Cùng với New Caledonia, đây là hai quần đảo thuộc địa của thực dân Pháp tại Nam Thái Bình Dương, cách bờ đông Australia hai tiếng đi máy bay. Những người Việt Nam (trong văn bản của Pháp ghi Annamite) đầu tiên được ghi nhận đặt chân đến đây lại là phạm nhân và tù chính trị vào khoảng năm 1911. Năm 1923, 145 người lao động Bắc Kỳ đầu tiên chính thức đến New Hebrides theo diện mộ phu (tức là người phu được tuyển mộ). Những người này đi xuất khẩu lao động có hợp đồng năm năm ký với các công ty tuyển dụng của Pháp để vào làm trong các đồn điền. Cùng khoảng thời gian đó cũng có một số lượng lớn người lao động chọn đi làm công nhân mỏ ở New Caledonia. Những người nông dân Việt Nam gọi New Hebrides là Tân Đảo, còn New Caledonia là Tân Thế Giới.

Một thế kỷ người Việt ở Vanuatu ảnh 1

Chiếc xe Peugeot 404 được mệnh danh là chiếc xe vạn dặm được kiều bào mang về từ Tân Đảo.



Cuộc sống của người làm phu vất vả khổ cực, làm việc nặng nhọc mà vẫn bị đánh đập dã man. Họ bị coi như những “nô lệ da vàng”. Tuy nhiên khi ở nhà thì không ai biết những điều kiện lao động ấy, chỉ thấy lương cao thì quyết tâm xa quê một thời gian để thoát khỏi đói nghèo ở những vùng quê đồng bằng Bắc Bộ đông dân, hay bão lũ. Họ gọi nhau là những người “chân đăng”. Đến nay nguồn gốc của từ “chân đăng” này vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng theo một số người mà tôi tiếp xúc thì họ cho rằng các cụ ngày xưa hay nói: “Đăng ký cho tôi một chân đi Tân Đảo/Tân Thế Giới” nên từ đó mà ra. Sang đến nơi rồi không còn đường lui, mọi người chỉ còn biết bảo nhau cố làm cho hết hạn hợp đồng rồi sẽ được tự do. Nhưng nhiều người trong số họ đã không bao giờ có cơ hội trở về quê hương.

Một thế kỷ người Việt ở Vanuatu ảnh 2

Khu mộ người Việt trong nghĩa trang trong thành phố.

Đến năm 1940 khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra thì việc đi lại giữa Tân Đảo và Việt Nam bị cắt đứt. Cộng đồng người Việt mặc dù xa quê hương nhưng vẫn luôn hướng về Tổ quốc, nghe thông tin qua đài thì ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Cụ Hồ. Mọi người ăn mừng khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và còn liều lĩnh kéo lá cờ đỏ sao vàng lên ngang hàng với cờ Pháp. Các hội người Việt treo ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trong hội quán. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều người Pháp thù hận người Việt ở Tân Đảo và công khai chửi bới, dùng bạo lực, phá hoại tài sản của bà con. Các tổ chức của người Việt bèn nhân cớ này đấu tranh đòi quyền được hồi hương. Cuối cùng thì vào ngày 30-12-1960 con tàu Eastern Queen (Nữ hoàng phương Đông) đã đưa 551 người rời Tân Đảo cập bến Hải Phòng ngày 12-1-1961. Đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đón kiều bào ở cảng. Trước đó vào năm 1959, Chính phủ đã ký hẳn một Nghị quyết về việc đón tiếp kiều bào ở Thái-lan, Tân Đảo, Tân Thế Giới về nước, đây cũng là tiền đề cho sự thành lập Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sau này.

Nếu ai từng tham quan Lăng Bác và Khu di tích Phủ Chủ tịch ở Hà Nội hẳn sẽ nhìn thấy đội xe con phục vụ Bác Hồ được triển lãm trong phòng kính. Trong đó có một chiếc xe Peugeot 404, loại xe đời mới nhất của Pháp, mới bắt đầu sản xuất từ năm 1960. Đây là món quà của bà con Tân Đảo góp tiền mua tặng chính phủ ta, một Việt kiều đã lái thẳng xe từ Hải Phòng lên Hà Nội giao tận tay cho Văn phòng Phủ Chủ tịch. Trong hai năm 1963, 1964 có thêm 11 chuyến tàu nữa đưa hàng nghìn người từ hai quần đảo xa xôi về nước, rồi họ lại tản ra theo phân công của các đơn vị. Nhiều người đi mãi Tuyên Quang, Lào Cai, có người tới tận vùng mỏ Quảng Ninh, người thì ở lại ngay Hải Phòng. Thế hệ thứ hai sinh ra ở Tân Đảo, nói tiếng Việt sõi như bất kỳ người Việt nào trong nước, nhưng giờ mới lần đầu tiên được đặt chân lên đất mẹ.

Hầu hết người “chân đăng” đã về Việt Nam trong thời gian ấy, nhưng vẫn còn một số ít vì vướng bận con nhỏ, do già yếu hay chuyện gia đình mà chấp nhận ở lại. Ngày nay Tân Thế Giới - New Caledonia vẫn còn là một phần của Cộng hòa Pháp dưới hình thức Lãnh thổ hải ngoại trong khi Tân Đảo - New Hebrides thì độc lập vào năm 1980 và đổi tên thành Cộng hòa Vanuatu. Cộng đồng người Việt hầu hết đã di cư từ Vanuatu sang New Caledonia vì những bất ổn chính trị vào những năm 80, 90 cuối thế kỷ trước. Tuy nhiên vài trăm người Việt còn ở Vanuatu đến nay vẫn rất thành đạt và có địa vị cao trong xã hội sở tại.

Trên con phố chính nhộn nhịp của thủ đô Port Vila, tôi bước vào quán ăn Việt Nam duy nhất với những người phục vụ bàn là người bản xứ da sẫm mầu. Tôi nhận ra ngay khuôn mặt Việt Nam của anh chủ quán, không lẫn được với người Hoa hay người Nhật. Anh chia sẻ rằng anh đã là thế hệ thứ tư sinh ra ở Vanuatu, nhưng kinh ngạc hơn cả là tiếng Việt giọng Bắc của anh vẫn cực kỳ lưu loát như người Việt trong nước mà tiếng Pháp thì thuần thục như bất kì người bản ngữ nào. Tiếng Việt được coi như một di sản văn hóa quý giá nên các thế hệ ở đây mà vợ chồng đều là người Việt thì họ luôn cố gắng để con cái nói tiếng Việt. Tôi ăn hết một bát phở và một đĩa nem rán. Đúng hương vị miền bắc mà gần như không thể tìm thấy ở các quán ăn Việt Nam bên Australia. Trong thực đơn ghi rõ là món “nem” chứ không phải “chả giò”. Tôi còn bất ngờ hơn khi đi qua nhiều quán đồ ăn nhanh bên cạnh khoai tây chiên, hamburger đều có bán món “nem” (viết bằng tiếng Việt).

Tôi hỏi thăm người địa phương rồi tìm đến nghĩa trang thành phố. Trong cả một vùng cỏ xanh mướt rộng lớn có một khu vực được quây lại riêng biệt bằng hàng rào ống kẽm, sạch sẽ ngăn nắp, thấp thoáng những mái ngói lăng mộ như ở Việt Nam. Tôi cực kỳ xúc động khi đọc thấy những tên người Việt Nam trên những bia mộ. Năm sinh của nhiều người từ mãi cuối thế kỷ 19, đến nay đã hơn một trăm hai mươi năm. Có những người được Nhà nước ta công nhận là liệt sĩ vì đấu tranh ủng hộ cho nước Việt Nam độc lập từ Pháp. Có bia mộ của những người phu dũng cảm đứng lên chống lại bọn chủ hà khắc và bị chính quyền thực dân xử tử. Nhưng ấn tượng nhất với tôi lại là hai câu đối chữ Hán viết trên hai cây cột xây theo lối ở cổng đình làng Bắc Bộ:

“Thán dã đồng bào hồng

Bắc khứ Ta hồ ngã chủng cách nam quy”.

Nghĩa là:

“Than ôi, đồng bào ta đã theo chim Hồng đi về phương Bắc

Tiếc thay, dòng giống cốt nhục này phải quay về với trời Nam”.

Hai câu đối được viết ra trong lúc kẻ ở người về khi xưa. Những người ở lại vẫn luôn đau đáu nhớ về quê cha đất tổ. Đồng thời cũng nói lên nỗi niềm những người nằm xuống nơi chân trời xa xôi, gửi nắm xương vào đất còn linh hồn vẫn theo chim Lạc Hồng bay về quê hương. Tôi khâm phục những người đã dấn thân đi đến những miền đất lạ khi xưa và lại còn xây dựng được một cộng đồng bền vững đến tận ngày nay. Hội Ái hữu người Việt ở Vanuatu có tổ chức rất vững mạnh, mở các lớp dạy tiếng Việt, Việt võ đạo và ca múa truyền thống. Mong rằng Việt Nam sẽ ngày càng tăng cường hợp tác và mở rộng quan hệ với Vanuatu, đất nước xa xôi mà lại gần gũi với bao thế hệ, thăng trầm của những người mang dòng máu Việt.

Tôi khâm phục những người đã dấn thân đi đến những miền đất lạ khi xưa và lại còn xây dựng được một cộng đồng bền vững đến tận ngày nay.