Quảng Ninh xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững

Chương trình Xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh đã đi gần hết chặng đường 5 năm (giai đoạn 2011-2015), với thành tích dẫn đầu các tỉnh khu vực miền núi phía bắc. Thành công và bài học lớn nhất được đúc kết trong quá trình triển khai thực hiện là đã hội tụ và lan tỏa được sức mạnh, trí tuệ, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.

Mô hình nuôi hàu ở Bản Sen, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.
Mô hình nuôi hàu ở Bản Sen, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

Hội tụ được ý Đảng, lòng dân

Nhận thức được tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết về xây dựng NTM. Tỉnh đã thành lập bộ phận chuyên trách giúp việc cho Ban Chỉ đạo là cơ quan ngang sở, theo đó Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và cấp huyện do đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban, các đồng chí trong Ban Thường vụ và một số đồng chí trong Ban Chấp hành tham gia Ban Chỉ đạo. Với cách làm này, tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện quyết tâm cao trong việc phát huy mạnh mẽ vai trò của người đứng đầu, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình.

Xác định rõ chủ trương xây dựng NTM thực chất là sự chuẩn hóa việc đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cho nên cách làm của Quảng Ninh cũng linh hoạt, sáng tạo, không gò bó theo một khuôn mẫu, mô hình cụ thể nào. Tỉnh đã triển khai đồng loạt ở tất cả các xã, lấy phát triển khu vực nông thôn ổn định làm địa bàn để đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực thành thị, từ đó có lực để đầu tư về cho nông thôn. Việc hoàn thành các tiêu chí cũng không cứng nhắc theo quy chuẩn của T.Ư mà dựa trên đặc thù, tình hình thực tế của địa phương để đầu tư cho phù hợp, tránh lãng phí. Để tạo đà cho người dân phát triển sản xuất, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Trong hơn 3 năm, nguồn lực huy động để chi cho chương trình đạt gần 28 nghìn tỷ đồng và đã được triển khai theo phương thức: Thời gian đầu tập trung nhiều cho hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, và giảm dần theo các năm, thay vào đó là tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng KHCN vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...

Ngay từ cuối năm 2011, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng NTM; tỷ lệ đường giao thông xã, liên xã, được thảm nhựa, đổ bê-tông đạt 72%; tỷ lệ các thôn, bản được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,45%; 100% số xã có cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ tốt cho các hoạt động văn hóa truyền thống; giá trị đầu tư trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã tăng gấp 20 lần so với năm 2010; thu nhập bình quân đã tăng 14,5%, góp phần giảm hộ nghèo chung toàn tỉnh xuống còn 2,42%. Đến nay, toàn tỉnh đã có 34 xã cơ bản đạt nông thôn mới và phấn đấu năm 2014 có thêm 33 xã cơ bản đạt tiêu chí NTM, trong đó có 13 xã đăng ký về đích sớm so với lộ trình đề ra.

Để có kết quả này, phong trào thi đua "Chung sức xây dựng NTM" của tỉnh Quảng Ninh đã được đẩy mạnh thành cao trào với năm chương trình cụ thể. Đó là, phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng NTM" với hơn 75 nghìn ngày công làm hơn 180 km đường giao thông các loại; phong trào "Thành thị giúp đỡ nông thôn" được cụ thể hóa bằng các công trình, hiện vật cụ thể với tổng giá trị là 15,193 tỷ đồng. Cùng với các phong trào này thì cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đồng hành xây dựng NTM bằng việc hỗ trợ vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, cam kết bán vật liệu theo phương thức trả chậm, giảm giá bán 10%, hỗ trợ trực tiếp các công trình hạ tầng nông thôn theo phương thức "Chìa khóa trao tay". Phong trào "Nông dân tự lực sáng tạo trong xây dựng NTM" được phát huy tối đa, qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần sáng tạo vươn lên trong lao động, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Nhờ khơi dậy được tinh thần này, cho nên trong ba năm (2011 - 2013), các cá nhân, hộ gia đình ở khu vực nông thôn đã vay hơn bảy nghìn tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng để sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo. Anh Vũ Văn Huỳnh ở thôn Đồng Vang, huyện Hoành Bồ bộc bạch: "Xây dựng NTM không được ỷ lại trông chờ vào Nhà nước mà mỗi người dân cần chủ động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, chung tay góp sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển". Hiện gia đình anh Huỳnh đang đầu tư gần một tỷ đồng để nuôi giống gà lông cước và gà sáu ngón cung cấp trên địa bàn huyện và tỉnh.

Trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh Trương Công Ngàn khẳng định: "Thành công lớn nhất của Quảng Ninh là nhận thức về xây dựng NTM được nâng lên rất rõ từ các cấp ủy đảng, chính quyền cho đến cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là người nông dân đã phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể trong việc xây dựng NTM và được cả xã hội đồng tình, hưởng ứng. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với mục tiêu và chủ thể xây dựng là người dân, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng NTM tại các huyện đảo, xã đảo để đưa chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến với từng người dân".

Xây dựng NTM theo hướng bền vững

Mặc dù không phải là tỉnh nông nghiệp, song những năm gần đây, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã có những bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp như vùng trồng na, vải ở Đông Triều, Uông Bí; trồng hoa, rau ở Hoành Bồ, Quảng Yên, vùng trồng dong riềng ở Bình Liêu, trồng ba kích ở Ba Chẽ, chè Đường hoa ở Hải Hà. Cùng với đó, chăn nuôi đã có bước phát triển đáng kể về quy mô đàn và khối lượng các loại sản phẩm, nhiều mô hình chăn nuôi tập trung trang trại, gia trại được hình thành theo hướng nuôi công nghiệp. Trong sản xuất thủy sản, toàn tỉnh đã có 10 nghìn tàu thuyền và hơn hai nghìn ha ao, đầm, mặt nước trên biển với nhiều đối tượng nuôi mới như tôm sú, tôm he chân trắng, cá song, hàu Thái Bình Dương, tu hài, hải sâm và một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến đã phát triển phục vụ tốt cho tiêu thụ sản phẩm, trong đó tập trung vào chế biến gỗ, chè và thủy sản với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã phê duyệt Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2013 - 2016. Mục tiêu của đề án là phát triển hình thức tổ chức kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường và giữ ổn định xã hội ở khu vực nông thôn.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Dương (huyện Hoành Bồ) Vương Thanh Bình phấn khởi: "Hiện nay xã đã cơ bản đạt 12 trong số 19 tiêu chí với 28 trong số 39 chỉ tiêu về xây dựng NTM và đang nỗ lực phấn đấu hết năm 2014 sẽ cơ bản cán đích hoàn thành xây dựng NTM". Để đạt được điều này, Đảng ủy xã Sơn Dương xác định tập trung mọi nguồn lực, tiếp tục đầu tư xây dựng đường giao thông, cơ sở vật chất, văn hóa, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa để tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, tập trung vào phát triển một số sản phẩm địa phương có hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng ổi, ba kích, chăn nuôi gà, lợn rừng...

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Cô Tô Nguyễn Đức Thành cho rằng: "Bài học của sự thành công xuất phát từ sự quyết tâm, sáng tạo trong chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, cùng với việc xác định đúng mục tiêu, phù hợp với điều kiện của địa phương và quan trọng là huy động được nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM". Đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện Cô Tô có sự chuyển dịch nhanh chóng, từ một huyện nông nghiệp nghèo trở thành một trung tâm du lịch mới của tỉnh. Thời gian tới, huyện xác định mục tiêu chiến lược là hướng ra biển lớn với việc đưa trung tâm hậu cần nghề cá vào hoạt động, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ để nơi đây thật sự trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá sầm uất của cả khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ.

Trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh Trương Công Ngàn cho biết: "Với tiến độ thực hiện như hiện nay, dự kiến đến hết năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 82 xã cơ bản đạt NTM, 100% số xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa, đường liên thôn được cứng hóa đạt chuẩn, 100% xã đồng bằng, 50% xã miền núi có hệ thống kênh mương được kiên cố hóa. Kinh tế khu vực nông thôn đóng góp từ 15 đến 20% GDP của tỉnh.

Diện mạo vùng nông thôn của Quảng Ninh đã và đang thay đổi rõ nét, tốc độ đô thị hóa cao đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu phát triển kinh tế của mỗi địa phương, góp phần đưa Quảng Ninh đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại hóa.

Trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh Trương Công Ngàn cho biết: "Với tiến độ thực hiện như hiện nay, dự kiến đến hết năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 82 xã cơ bản đạt NTM, 100% số xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa, đường liên thôn được cứng hóa đạt chuẩn, 100% xã đồng bằng, 50% xã miền núi có hệ thống kênh mương được kiên cố hóa. Kinh tế khu vực nông thôn đóng góp từ 15 đến 20% GDP của tỉnh.