Ðể thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ngãi đề ra chín nhóm giải pháp, trong đó, thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh và các sở, ban, ngành, các địa phương trong quá trình xúc tiến đầu tư và giải quyết các thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư trên địa bàn; xây dựng, điều chỉnh đồng bộ các loại quy hoạch, nhất là các quy hoạch ngành, sử dụng đất, quy hoạch chi tiết tại KKT Dung Quất, bảo đảm thu hút đầu tư không phá vỡ quy hoạch, tránh tình trạng dự án triển khai chậm do thiếu quy hoạch hoặc chờ điều chỉnh quy hoạch. Tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực để tái định cư, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở KKT Dung Quất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề khẩn trương thành lập công ty cổ phần đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp của tỉnh,... Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; cải tiến phương thức xúc tiến đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến đầu tư. Quảng Ngãi ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư và ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2012- 2015.
Tỉnh Bắc Giang đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh Bắc Giang đã triển khai mô hình lúa chất lượng ÐS1 vụ xuân ở xã Việt Lập, huyện Tân Yên, cho năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha, giá bán mười nghìn đồng/kg thóc, cao gần gấp đôi so với các giống lúa bình thường khác. Trung tâm còn chuyển giao các giống lúa chất lượng khác vào sản xuất để tìm ra giống lúa mới đưa vào cơ cấu giống lúa hàng hóa như xây dựng mô hình lúa chất lượng vụ mùa với diện tích 27 ha, giống HT6 tại TP Bắc Giang và các huyện Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang,... Nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây lạc, Trung tâm đã xây dựng mô hình thâm canh lạc vụ hè thu bằng các giống L23, L26 tại TP Bắc Giang và huyện Tân Yên. Mô hình cây ăn quả đặc sản bằng giống nhãn chín muộn Hưng Yên được triển khai tại huyện Yên Thế và huyện Lục Nam đã có tỷ lệ sống trên 90%, góp phần đa dạng hóa cây ăn quả và cải tạo vườn tạp ở địa phương, v.v.