Quảng Ngãi đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh nông sản OCOP

Sau hơn hai năm triển khai Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”, tỉnh Quảng Ngãi bước đầu chú trọng phát triển, tạo thương hiệu cho nông sản địa phương, định danh nông sản, xây dựng chuỗi giá trị hướng đến đưa sản vật của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước.
 

Tham gia, trưng bày giới thiệu hàng nông sản là cách giúp nông sản tiếp cận, tìm kiếm thị trường rộng mở hơn.
Tham gia, trưng bày giới thiệu hàng nông sản là cách giúp nông sản tiếp cận, tìm kiếm thị trường rộng mở hơn.

Những kết quả bước đầu: Hình thành nét riêng cho nông sản địa phương
 
 Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, tỉnh Quảng Ngãi xây dựng và triển khai ngay Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Để thực hiện chương trình có ý nghĩa tạo ra động lực phát triển kinh tế nông thôn, góp phần cơ cấu lại kinh tế
 
 nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng và hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững, Quảng Ngãi đã hoàn thiện hệ thống tổ chức, nhân sự thực hiện chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến cấp xã. Trong đó, tập trung đào tạo cán bộ trực tiếp thực
 
 hiện chương trình phát triển sản phẩm, thương hiệu OCOP; xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác để tư vấn, hỗ trợ cho các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình OCOP trong việc đăng ký sản phẩm, xây dựng câu chuyện cho sản phẩm, thiết kế bao bì, đào tạo cho lãnh đạo và người lao động của cơ sở; tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đổi mới bao bì sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
 
 Bên cạnh đó, tỉnh đã chú trọng cho công tác tuyên truyền, giới thiệu nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích, xu hướng và tính tất yếu của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến các cấp huyện, xã, doanh nghiệp, nhà nông nhằm tiếp cận, phát triển tham gia phát triển các sản phẩm OCOP; giới thiệu và quảng bá các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh đến các thị trường trong và ngoài tỉnh thông qua các hội chợ, triển lãm ở nhiều địa phương.
 
 Sau nhiều nỗ lực của các cấp, ngành tỉnh Quảng Ngãi, những nông sản địa phương đặc trưng đồng bằng, biển đảo và miền núi đã bắt đầu định danh trên thị trường. Sau hơn hai năm triển khai, Quảng Ngãi đã đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đến nay, đã có 11 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm 10 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và một sản phẩm đạt chuẩn 4 sao. Trong đó, nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu, chất lượng cung ứng cho các thị trường lớn trong nước như: Nấm linh chi Giang Phong, gạo sạch Ấn Trà, mạch nha Kim Hồng, tỏi đen Volnaco, bánh tráng Huy Cường, nước mắm truyền thống: Phương Loan, Đức Hải, Phát Hải… Hiện còn 25 sản phẩm nông sản từ các làng nghề, nông sản truyền thống đang tiếp tục được đánh giá, phân hạng để đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Dự kiến đến hết năm 2020 Quảng Ngãi sẽ có hơn 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 4 đến 5 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, còn lại là 3 sao.
 
 Đẩy mạnh giải pháp phát triển nông sản
 
 Với mong muốn đưa những sản phẩm nông sản đặc trưng, chủ lực, cốt lõi từng vùng thành chuỗi hàng hóa, tiếp cận thị trường, tăng giá trị cho nông sản, tỉnh Quảng Ngãi xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là một trong những nội dung quan trọng nhằm phát triển kinh tế nông thôn và cơ cấu lại nông nghiệp trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu đó Quảng Ngãi đã xác định các giải pháp trọng tâm, đồng bộ để nâng chất lượng, xây dựng thương hiệu và giá trị cho nông sản. Tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục tuyên truyền, vận động trong cán bộ các cấp và người dân trong tỉnh về ý nghĩa, vai trò của chương trình đối với phát triển kinh tế nông thôn trong tỉnh, là kênh tạo thu nhập, công ăn việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, là cơ hội cho thanh niên khởi nghiệp và làm giàu ở nông thôn. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, bao gồm: chi phí tư vấn xây dựng phương án kinh doanh, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc… và nhất là hình thành chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Cùng với các giải pháp đó, tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” ở giai đoạn 2018 - 2020, trên cơ sở đó xác định rõ các ưu, nhược điểm, bài học kinh nghiệm, từ đó xây dựng mới Đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2030”; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, đặc biệt là các kiến thức và kỹ năng về quản trị sản xuất, quản trị doanh nghiệp, quản trị thương hiệu, quản trị marketing… giúp cho chủ thể OCOP là các “CEO cỡ nhỏ” để họ làm chủ doanh nghiệp, làm chủ chuỗi giá trị.
 
 ĐẶNG VĂN MINH
  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi