Ma trận giăng sẵn…đợi chim
Tháng 10 này ở Quảng Bình, sau mưa lũ là trời se se lạnh. Cánh đồng sau lũ có nhiều cá, tôm và các loại phù du là nguồn thức ăn phong phú cho các loại chim di cư. Chúng đến từng đàn, cùng nhau mãi miết kiếm ăn trên từng thửa ruộng, tịnh như là “vương quốc riêng của mình”. Ở giữa cánh đồng mùa nước nổi, chấp chới màu trắng của cánh cò chào liệng gợi cho nhiều người cảm giác bình yên khi mùa lũ đi qua.
Song, phía sau sự bình yên ấy là ma trận giăng sẵn của cánh săn bắt chim trời.
Phải mất khá nhiều thời gian thuyết phục, T- người chuyên nghề bẫy bắt chim trời ở một xã vùng ven Quốc lộ 1A huyện Lệ Thủy mới kể cho chúng tôi nghe về bẫy chim. Khác với trước, người dân thường đặt bẫy thủ công trên ruộng lúa để bắt chim thì giờ đây, nghề này chuyển sang áp dụng kỹ thuật mới hơn. T cho biết, tùy theo từng loại chim để những người chuyên nghề như anh chọn thời điểm và tìm cách bẫy bắt phù hợp. Chẳng hạn như vào tháng 10 là thời điểm bẫy cò, diệc thích hợp nhất.
“Việc bẫy cò khá đơn giản, tôi dùng chiếc thuyền nhôm nhỏ chở theo những đoạn tre một đầu có phết lớp keo dính, đầu còn lại vót nhọn cắm xuống đất bùn, vác thêm vài chục cò giả bằng xốp trắng hình dáng, kích thước giống cò thật và vài ba con cò thật buộc chân vào ổ rác đã được làm cố định trên ruộng lúa. Để gọi cò thật tới, tôi bỏ cái điện thoại “cùi bắp” có ghi âm tiếng cò kêu trên các ổ rác, khi nghe tiếng và thấy đồng loại đang ở dưới đất, cò thật sẽ sà xuống kiếm ăn, thế nào cũng dính keo hoặc mắc lưới trắng được giăng sẵn trước đó”- T nói như khoe chiến tích.
Quả đúng như lời T nói, chúng tôi đi dọc Quốc lộ 1A đoạn phía nam tỉnh Quảng Bình và quan sát từ xa có rất nhiều cò trắng trên đồng, những tưởng là đàn cò thảnh thơi kiếm ăn giữa cánh đồng sau ngày lũ. Đến gần mới biết hóa ra đó là đám cò giả được cắm xuống trên mặt ruộng để dụ cò thật. Quanh đó, có vài chiếc thuyền nhôm lượn qua lượn lại như đang canh chừng, trên thuyền cũng nhấp nhô cánh trắng. Một bác nông dân ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, đó là những người đi bẫy cò, vạc và bây giờ đang vào vụ làm ăn của họ.
Vui chuyện và thấy chúng tôi muốn tìm hiểu nên bác nông dân này kể thêm: “Các chú chưa biết chứ bây giờ họ giăng lưới rồi dùng tiếng loa giả tiếng chim để dụ chim trời mắc bẫy. Kiểu đơm bẫy này thường ở trên các ruộng cạn, vùng có lau lách hoặc vùng cát nhiều cỏ rười. Họ dùng những tấm lưới mắt dày trong suốt giăng lên cao như “tàng hình” lồng lộng giữa trời bằng các cọc tre chắc chắn. Có người giăng cả trăm mét lưới, đến mắt người khó nhận ra ngoài hàng cọc buộc lưới, huống hồ chi chim trời. Bên cọc tre, người đặt bẫy còn buộc thêm các chiếc loa nhỏ phát ra tiếng của cò, của bầy vạc…để dụ chim. Bay lượn trên trời, nghe tiếng kêu tưởng gọi bầy, cò, vạc sà xuống để kiếm ăn và mắc ngay vào lưới, vùng vẫy càng khó thoát. Người đặt bẫy canh chừng gần đó chỉ cần đến gỡ chim đưa về”.
Theo như nhiều người bẫy chim, những loài chim mà họ bắt không thuộc loài quý hiếm hay hoặc cấm săn bắt, vì thế họ cũng ít bị cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương nhắc nhở, cảnh báo. Chưa có thống kê cụ thể mỗi năm số lượng chim trời bị săn bắt bao nhiêu nhưng rõ ràng, đó là con số không hề nhỏ.
Ngặn chặn khai thác kiểu tận diệt
Ở miền trung nói chung, Quảng Bình nói riêng, số lượng chim di cư trong mùa thu - đông những năm gần đây giảm mạnh qua sự cảm nhận của nhiều người mà chúng tôi có dịp trò chuyện. Điều này có thể do diện tích ruộng lúa dần bị thu hẹp bởi tốc độ đô thị hóa và nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương song cũng có nguyên nhân từ nạn săn bắt chim trời theo lối tận diệt của cánh thợ săn. Mặt khác, việc bảo tồn các loại chim chủ yếu mới được quy định cụ thể để áp dụng trong các khu bảo tồn, vườn quốc gia; còn với chim trời hầu như chưa có hoặc thiếu cụ thể dẫn tới hoạt động quản lý của cơ quan chức năng gặp khó khăn. Biện pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động người dân không bẫy bắt chim trời.
Ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, trong đó nêu rõ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật, nhất là động vật hoang dã thuộc lớp chim trong môi trường tự nhiên.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thời gian gần đây lực lượng Công an các địa phương ở Quảng Bình phối hợp kiểm lâm và chính quyền cơ sở tổ chức các đợt thu gom, xóa bỏ các loại bẫy dùng bắt chim, thu gom số lượng lớn chim cò giả để tiêu hủy.
Trước tình trạng người dân bẫy bắt các loại chim tự nhiên ồ ạt, giữa tháng 10 này, Công an xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) phát thông báo nghiêm cấm hành vi vi phạm này trên hệ thống loa truyền thanh của xã và trang Fanpage Công an xã Quảng Xuân; đồng thời tổ chức cho hơn 100 hộ dân ký cam kết về việc không săn bắt, mua bán, tiêu thụ các loại chim tự nhiên. Công an xã Quảng Xuân phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện, tổ công tác của Đồn Biên phòng Roòn tiến hành tháo dỡ và tiêu huỷ 205 cò giả, hơn 3.000 m lưới và 4.000 que keo bẫy chim, thả về tự nhiên 11 cá thể cò trắng bị dính bẫy. Theo cơ quan chức năng, trong gần tháng nay, 8 địa phương của tỉnh Quảng Bình đã ra quân tháo gỡ hơn 50.000 bẫy các loại, hơn 30.000 m lưới giữa đồng ruộng, lùm cây để săn bắt chim trời, đồng nhằm giải cứu hàng trăm con chim di cư trở lại môi trường tự nhiên.
Theo đại diện lãnh đạo Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương yêu cầu các đối tượng chuyên nghề săn bắt chim trời phải ký cam kết chấm dứt hoạt động; đồng thời tiếp tục kiểm tra, phát hiện để tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép, xóa các tụ điểm mua, bán chim tự nhiên; tuyên truyền người dân không săn bắt, mua bán, tiêu thụ chim tự nhiên. Đây là việc làm thiết thực góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, bảo vệ các loại chim di cư.