Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên để phục vụ phát triển đất nước

Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế về quản lý, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật; tăng cường kiểm soát quyền lực, thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm... được coi là những nhiệm vụ trọng tâm được ngành tài nguyên và môi trường triển khai trong năm 2022 và những năm tiếp theo, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn tài nguyên phục vụ phát triển đất nước theo hướng bền vững.

Vận hành hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà, huyện Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh DUY ĐĂNG)
Vận hành hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà, huyện Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh DUY ĐĂNG)

Năm 2021, ngành tài nguyên và môi trường đã tập trung giải quyết ngay các vướng mắc, điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển, nhất là việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Điển hình như: ngành đã xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhằm giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ, cải thiện môi trường, cân bằng hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước ở Việt Nam; xây dựng Đề án kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học giai đoạn 2021-2031, tầm nhìn đến năm 2040; tập trung đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng xây dựng các quy chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực môi trường.

Toàn ngành đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình xử lý, tái chế chất thải rắn, quản lý rác thải nhựa... Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 94,71% (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 89%), tại khu vực nông thôn đạt khoảng 83%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 85%. Tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống nước thải tập trung đạt 90,69% (tăng 13,34% so với năm 2016), trong đó số lượng khu công nghiệp đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục đạt 90,9%; tỷ lệ tro xỉ được tái sử dụng đạt hơn 50%. Đáng chú ý, cả nước đã hoàn thành xử lý triệt để 370 trong tổng số 435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (đạt 85%); tỷ lệ các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có xu hướng giảm 4% so với năm 2020; tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm từ 8,85% (năm 2019) xuống còn 4,03%... Không chỉ làm tốt công tác quản lý môi trường, các đơn vị chức năng đã hoàn thành lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ: 1:50.000 phần đất liền diện tích 242.445 km2 (đạt 73,19% diện tích đất liền) và tỷ lệ 1:100.000 đến 1:500.000 trên diện tích hơn 244.000 km2 vùng biển sâu từ 0 đến 100 m. Kết quả, đã phát hiện, điều tra sơ bộ hàng trăm điểm khoáng sản các loại; khoanh định nhiều khu vực có tiềm năng, triển vọng để chuyển sang giai đoạn đánh giá xác định tài nguyên.

Trước các tác động ngày càng cực đoan, khó lường của biến đổi khí hậu, ngành tài nguyên và môi trường đã chủ động tham mưu cho Chính phủ các giải pháp mang tính chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, thiết lập hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước, triển khai các hành động để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, để chủ động nắm bắt xu thế toàn cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tham gia các sáng kiến, tuyên bố chính trị, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực trong giải quyết thách thức lớn của toàn cầu tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Qua đó, mở ra nhiều cơ hội chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Năm 2022, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là tập trung hoàn thành các quy hoạch quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện... đồng bộ, thống nhất; phân bố hợp lý, phát huy các nguồn lực tài nguyên trong tầm nhìn dài hạn, bảo đảm không gian sinh tồn, sinh thái và không gian phát triển, tăng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa trung ương và địa phương trong thực thi, hoàn thiện chính sách pháp luật; thiết lập hệ thống theo dõi đánh giá việc quản lý, sử dụng tài nguyên; thực hiện đánh giá xếp hạng chỉ số bảo vệ môi trường cấp tỉnh; chuyển công tác thanh tra, kiểm tra từ tiền kiểm tra sang hậu kiểm, trong đó tập trung thanh tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, xử nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý tài nguyên và môi trường...

Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững các hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển; nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên biển, mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các dự án giao khu vực biển và thực hiện các dự án điện gió. Thực hiện sàng lọc loại trừ các dự án công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, tiêu hao năng lượng, có nguy cơ ô nhiễm từ giai đoạn đầu tư. Chủ động kiểm soát các nguồn thải, quản lý, bảo vệ môi trường chặn đứng xu thế suy thoái; tập trung quản lý môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; phục hồi các khu vực bị ô nhiễm hóa chất tồn lưu, thuốc bảo vệ thực vật, các bãi chôn lấp chất thải rắn đã đóng cửa...

Toàn ngành tài nguyên và môi trường thúc đẩy cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, chủ động tận dụng các cơ hội hợp tác, tiếp cận các dòng tài chính, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực đón đầu các dòng vốn đầu tư xanh vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng phục vụ chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế.