Robot này có tên IceNode, được thiết kế theo dạng hình trụ với chiều dài 2,4m, đường kính 25cm và được thả xuống biển từ các lỗ khoan trên mặt băng hoặc từ trên tàu. Thiết bị sau đó sẽ trôi theo dòng hải lưu, kết hợp với một phần mềm định hướng để có thể tới được vùng tiếp giáp giữa thềm nước ngọt đóng băng với đại dương hay đất liền.
Khi đã “tiếp cận được mục tiêu”, IceNode sẽ bám chặt vào mặt dưới của thềm băng; sau đó ghi lại dữ liệu trong vòng 1 năm tiếp theo, bao gồm cả những biến động theo mùa. Kết thúc quá trình này, IceNode sẽ trở lại mặt biển, trước khi truyền dữ liệu quan trắc về qua vệ tinh. Dựa trên kết quả thu thập được, các nhà khoa học có thể cải thiện mô hình dự đoán về tốc độ dâng của mực nước biển trong tương lai.
Khi đã “tiếp cận được mục tiêu”, IceNode sẽ bám chặt vào mặt dưới của thềm băng; sau đó ghi lại dữ liệu trong vòng 1 năm tiếp theo, bao gồm cả những biến động theo mùa. (Ảnh: Reuters) |
Hiện, thế hệ đầu tiên của IceNode đang được Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) thuộc NASA phát triển và đưa vào thực nghiệm tại vùng biển Beaufort phía bắc Alaska vào tháng 3/2024. Trong lần lặn đầu tiên này, IceNode đã tiếp cận được thềm băng ở độ sâu 100m, sau đó thu thập dữ liệu về độ mặn, dòng chảy và nhiệt độ…
Nhóm nghiên cứu cũng kỳ vọng, IceNode sẽ tạo ra một nền tảng mới để mang các thiết bị khoa học tiếp cận tới những nơi khó khăn và bí ẩn nhất của Trái đất trong tương lai gần.
Một nghiên cứu được công bố năm 2022 của JPL cho thấy, các thềm băng Nam Cực đã bị giảm khoảng 12 nghìn tỷ tấn kể từ năm 1997. NASA ước tính, nếu băng tại khu vực này bị tan hoàn toàn, mực nước biển toàn cầu sẽ có thể dâng cao tới 60m.