Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định SPS

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 534/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 phê duyệt đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cam kết SPS trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do”.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mục tiêu của đề án là đến năm 2025, tỷ lệ quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản hài hòa tiêu chuẩn quốc tế đạt 70%; có 100% số cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hằng năm về chuyên môn nghiệp vụ; 80% các mặt hàng và thị trường trọng điểm tương ứng được xây dựng cẩm nang hướng dẫn tuân thủ các biện pháp SPS; 100% các địa phương kiện toàn đầu mối hỏi đáp các quy định SPS của thị trường; hoàn thành Cổng thông tin quốc gia về SPS...

Đến năm 2030, tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tương đương quy chuẩn quốc tế đạt 100%.

Hiện nay, các thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trọng điểm của Việt Nam đều có xu thế gia tăng các biện pháp SPS như thay đổi mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL), dư lượng kháng sinh, vật liệu tiếp xúc thực phẩm, ô nhiễm vi sinh vật…

Do đó, đề án nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định SPS có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật cho tất cả các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm; là cơ sở để xây dựng dữ liệu, khai thác và chia sẻ thông tin về các biện pháp SPS theo nhóm mặt hàng và theo từng thị trường.

Từ đó nâng cao khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về xuất khẩu nông sản cho các doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới đa dạng thị trường tiêu thụ và gia tăng kim ngạch.

Để triển khai thực hiện hiệu quả đề án, cần phối hợp nhiều giải pháp như: Nâng cao nhận thức cho các đơn vị, đối tượng liên quan; kiện toàn tổ chức hệ thống SPS của Việt Nam; có cơ chế, chính sách, nguồn lực cho đào tạo, kiểm nghiệm, xét nghiệm và các công tác khác liên quan tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động SPS; mở rộng hợp tác quốc tế trong việc xây dựng cơ chế công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp liên quan SPS.

Đặc biệt là cần đẩy mạnh phối hợp, liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước để thực thi đầy đủ các nghĩa vụ minh bạch hóa về các biện pháp SPS cũng như tăng cường các cơ chế giám sát trong quá trình thực hiện, áp dụng các biện pháp SPS.

Về lâu dài, xây dựng các chủ trương, cơ chế, chính sách, kế hoạch để khuyến khích việc sử dụng sản phẩm hữu cơ, sạch, an toàn; trồng, sử dụng và bảo tồn các nòi, giống thuần chủng, bản địa và phương pháp nuôi trồng hữu cơ nhằm bảo vệ sự cân bằng, an toàn sinh thái; kiểm soát việc sử dụng các nguồn giống, sản phẩm biến đổi gien, các chất có hại cho sức khỏe con người, sức khỏe động, thực vật, hệ sinh thái và môi trường để hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.