Nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng

Ngân hàng đau đầu “chữa bệnh thừa tiền”, doanh nghiệp loay hoay với bài toán khó tiếp cận vốn.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng SeABank.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng SeABank.

Thực trạng trên diễn ra trong một thời gian dài, cho thấy sự cần thiết phải quyết liệt, quyết tâm hơn nữa nhằm tiếp tục tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Theo nhận định của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đang gặp nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu; trong đó, sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Đồng loạt “tung” các gói vay ưu đãi

Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng), thời gian qua, nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đã thực hiện hàng loạt giải pháp hạ lãi suất, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi,... để cung ứng vốn, mở rộng tín dụng đối với người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Cụ thể, theo Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Lê Hoàng Tùng, từ ngày 1/9, Vietcombank chính thức triển khai chính sách cho vay vốn đối với cá nhân để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất cho vay chỉ từ 6,9%/năm.

Theo đó, Vietcombank có thể cho vay với thời gian tối đa lên đến 30 năm, nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay, với số tiền vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc. Hiện tại, Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay 6,9%/năm trong 6 tháng đầu, 7,5%/năm trong 12 tháng đầu và 8%/năm trong 24 tháng sau đó lãi suất sẽ áp dụng cho vay theo tình tình thực tế thị trường.

“Điểm mới trong sản phẩm này là ngân hàng nhận tài sản thế chấp rất đa dạng, thay vì chỉ là bất động sản như trước đây. Cụ thể, khách hàng có thể thế chấp bằng bất động sản, tiền mặt, số dư trên tài khoản tiền gửi, sổ tiết kiệm và thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá,... của khách hàng hoặc người có quan hệ huyết thống là bố, mẹ, con đẻ, kể cả người có quan hệ vợ hoặc chồng với khách hàng, hoặc tài sản của chính khách hàng tại tổ chức tín dụng đang vay”, đại diện lãnh đạo Vietcombank nêu rõ.

Cùng với Vietcombank, BIDV cũng đang cho vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất từ 6%/năm trong chu kỳ đầu đối với các khoản vay ngắn hạn, 6,8%/năm cho vay trung, dài hạn. Các ngân hàng khác như HDBank, Sacombank, MSB,... “tung” ra các gói tín dụng cho vay mới với mức lãi suất ưu đãi chu kỳ đầu đối với cá nhân vay mua nhà ở mức từ 7,5-9,2%/năm; thậm chí một số sản phẩm mua nhà của những ngân hàng này có lãi suất 4,5%/năm trong ba tháng đầu.

Đáng chú ý, cùng với chính sách giảm lãi suất mà Agribank ước tính đã tiết giảm hơn 1.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, với 2,2 triệu khách hàng được hỗ trợ từ đầu năm tới nay, đại diện lãnh đạo Agribank chia sẻ: Với mong muốn hỗ trợ ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng, nhà ở,... Agribank dành hơn 60.000 tỷ đồng triển khai đồng bộ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với đa dạng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Cần giải pháp tổng thể kích cầu vốn

Có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Nhưng theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 29/8, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết: Trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Thực tế, doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần: Năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng.

Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống giảm không xuất phát từ vấn đề cung ứng tín dụng của ngành ngân hàng, mà từ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Doanh nghiệp không có đơn hàng, hàng tồn kho lớn, dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm.

Thống kê từ Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) chỉ rõ, số ngày tồn kho của các doanh nghiệp ngành bất động sản lên tới 5.662 ngày; ngành sản xuất tồn kho kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023. Mặt khác, một nguyên nhân nữa cũng ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp là do kinh tế khó khăn, nguồn lực tài chính của doanh nghiệp bị suy giảm nên không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.

Do đó, làm thế nào để tháo gỡ khó khăn việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế trong bối cảnh doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, “không muốn vay vốn”, theo nhìn nhận của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, “đang là vấn đề rất khó”.

Một lần nữa khẳng định tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất bốn nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế, gồm:

Nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; nhóm giải pháp phát triển các loại thị trường (trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản); nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.

Thời gian qua, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thật sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn đang tồn tại một số vấn đề đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tuy có dấu hiệu tăng chậm lại trong năm 2022 nhưng vẫn trong xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.

Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, bên cạnh các giải pháp về tiền tệ cần có các giải pháp mang tính tổng thể, khôi phục niềm tin của thị trường. “Từ tổng thể chung của nền kinh tế cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều (chủ yếu liên quan đến lãi suất) cần nghiên cứu có giải pháp phù hợp, hiệu quả, đẩy mạnh chính sách tài khóa”, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, vấn đề khó nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là thị trường, cho nên phải làm sao mở ra được các thị trường cho doanh nghiệp, bởi “thị trường tắc, thì không lĩnh vực nào thông được”. Cùng với đó, nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế bảo đảm “đủ mức, đủ độ”,... “Đây là câu chuyện rất khó về cơ chế. Nhưng khó mới cần phải làm” - ông Trần Đình Thiên chia sẻ.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất: Cần có những giải pháp tổng thể cả về tài khóa, hành chính để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp; cần chú ý các giải pháp liên quan đến khôi phục niềm tin thị trường; tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp; thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân tín dụng hộ kinh doanh, hướng dòng vốn tín dụng vào chuyển đổi xanh, các ngành hàng có triển vọng tốt như nông, lâm, thủy sản, các ngành hàng xuất khẩu,...