Theo đánh giá của Cục Kiểm ngư, đến cuối tháng 5, qua theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện tại các địa phương ven biển thì nhiều địa phương đã gần hoàn thành công tác đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase)…
Sóc Trăng là một trong những tỉnh có thế mạnh trong lĩnh vực khai thác thủy sản với đội tàu đánh bắt gần 1.000 chiếc. Đến nay, tất cả tàu cá ở Sóc Trăng có chiều dài hơn 15m đã được lắp đặt VMS. Các trường hợp mất kết nối chủ động do tác động của con người cũng được cơ quan chuyên môn tiến hành xử lý. Các cơ quan chức năng cấp giấy phép cho 968/1.000 tàu (còn lại 32 tàu không hoạt động hoặc hư mục), đồng thời cập nhật dữ liệu tàu cá vào VNFishbase.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, lực lượng kiểm tra, kiểm soát tất cả tàu cá xuất, nhập bến, thiết bị VMS hoạt động liên tục 24 giờ khi tàu cá rời cảng; giám sát trong ngày, 100% số tàu hoạt động trên biển. Đồng thời, tỉnh thường xuyên phối hợp UBND các tỉnh lân cận quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Sóc Trăng cấp 21 giấy thẩm định, truy xuất, xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác của bốn doanh nghiệp với tổng sản lượng thủy sản là 2.207 tấn; cấp 40 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác với khối lượng 510,3 tấn cho các doanh nghiệp. Qua kiểm tra, toàn tỉnh không có tàu cá vi phạm; bảo đảm tất cả tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải cập cảng chỉ định, chủ tàu/thuyền trưởng thông báo cho bộ phận điều hành một giờ trước khi cập cảng. Gần 8.000 tấn thủy sản khai thác được giám sát khi bốc dỡ tại cảng cá. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam cho biết, tỉnh đã thực hiện tốt các khuyến cáo về “thẻ vàng” của EC.
Tại Thanh Hóa, ngoài quản lý tàu cá xa bờ, chính quyền các phường, xã còn đánh số 1.375 thuyền cá có chiều dài 6m trở xuống để phục vụ quản lý và đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.
Đến nay, tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ phí thuê bao, lắp đặt VMS cho hơn 1.121 tàu cá, đạt tỷ lệ 98%. Cơ quan chức năng đã cập nhật dữ liệu đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản của 2.493 tàu cá vào hệ thống dữ liệu nghề cá quốc gia. Ông Lê Bá Lực, Trưởng Phòng Quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa) cho biết, đã có 2.096 tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản, đạt tỷ lệ 84%; số lượng tàu cá của tỉnh Thanh Hóa đã đánh dấu quản lý đạt 100%; Thanh Hóa đang xây dựng đề án, xúc tiến thành lập lực lượng kiểm ngư tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong tuần tra, kiểm soát, thanh tra, xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản.
Trong khi đó, Đà Nẵng hiện có tổng số 1.230 tàu cá đang hoạt động. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, từ năm 2019 đến nay, thành phố đã hỗ trợ gần 23 tỷ đồng cho 977 lượt tàu cá của 860 chủ tàu cá mua bảo hiểm thân tàu, VMS, trang bị máy móc, thiết bị… Đến nay, Đà Nẵng có 567/588 tàu cá có chiều lớn nhất từ 15m trở lên đã lắp đặt VMS và không có tàu cá nào vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Trong đợt cao điểm 180 ngày hành động chống khai thác IUU, cùng với việc tuyên truyền cho ngư dân, chủ tàu, các cơ quan chức năng Nghệ An đã tập trung cao điểm quản lý tàu cá. Các cảng cá ở Nghệ An đã được đầu tư nâng cấp hạ tầng, trong đó, ba cảng cá đủ điều kiện chỉ định, có đủ hệ thống để xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Các cảng cá đã cập nhật tàu ra, vào cập cảng và sản lượng hải sản chính xác hơn; việc ghi, nộp nhật ký dần được cải thiện hơn, nhiều ngư dân đã chủ động, tự giác ghi nhật ký khai thác và nộp cho cảng cá kịp thời.
Tại huyện Gio Linh (Quảng Trị), nơi có đội tàu cá nhiều nhất tỉnh với hơn 180 chiếc khai thác hải sản xa bờ và gần 700 chiếc đánh bắt gần bờ. Ngư dân Bùi Văn Còng ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, chủ một tàu cá công suất 400CV cho biết, mỗi chuyến đi khai thác hải sản phải có giấy xác nhận của Văn phòng IUU tại Cửa Việt, sau đó đến Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Lợi làm thủ tục xuất lạch. Ngư dân đưa tàu cá nhập lạch sẽ làm ngược lại.
Thiếu tá Võ Khắc Hoàn, Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Lợi cho biết, trước khi ngư dân đưa tàu cá xuất lạch, đơn vị kiểm tra giấy tờ, con người và phương tiện. Chủ tàu cá phải ký vào bản cam kết đúng số lượng thuyền viên đi biển, giám sát hành trình, giấy phép khai thác thủy sản, đăng ký tên thuyền viên. Từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 4, không có tàu cá ở huyện Gio Linh vi phạm IUU.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh đã thực hiện đánh dấu tàu cá cho 442/446 tàu và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 436/446 tàu; có 184/192 tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình; tất cả tàu cá xuất, nhập lạch tại các đồn/trạm biên phòng tuyến biển đã được kiểm tra, kiểm soát.
Thông qua hệ thống giám sát tàu cá, Chi cục Thủy sản tỉnh phân công cán bộ trực giám sát, theo dõi chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển nên trong thời gian qua không có tàu mất kết nối trên biển quá 10 ngày và không có tàu cá hoạt động vi phạm vùng biển nước ngoài. Nội dung thu nộp, nhật ký khai thác thủy sản của các thuyền trưởng tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên tại cảng cá được thực hiện nghiêm túc. Bốn tháng đầu năm đã thu được 741 cuốn nhật ký khai thác thủy sản/741 lượt tàu cập cảng; tổ chức giám sát toàn bộ sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ tại cảng cá chỉ định.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, trong sáu tháng hành động cao điểm vừa qua, mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng mừng, song tại các tỉnh ven biển, trong quá trình tổ chức thực hiện đã có những khó khăn, vướng mắc về căn cứ pháp lý, nguồn lực (nhân lực, kinh phí), công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng có liên quan, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý cũng như ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân chưa tốt, dẫn đến còn một số nhiệm vụ chưa hoàn thành.
Cùng với tăng cường rà soát, quản lý hệ thống tàu đánh cá kể cả xa bờ và ven bờ, các địa phương ven biển triển khai nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất các vi phạm của chủ tàu cá. Tỉnh Nghệ An đã ký kế hoạch phối hợp Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 trong ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Các lực lượng chức năng của tỉnh thực hiện hàng trăm chuyến tuần tra ven biển để nhắc nhở và xử phạt các tàu, thuyền đánh bắt trái phép, đánh bắt tận diệt.
Nhờ đó, tình trạng dùng các vật liệu nổ hoặc ngư cụ đánh bắt trái phép trên vùng biển ven bờ gần đây giảm hẳn. Còn tại tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh đã phát hiện 50 thiết bị giám sát hành trình của sáu chủ tàu có 63 hành vi vi phạm, xử phạt hơn 8,7 tỷ đồng. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính một chủ tàu cá với số tiền 2,852 tỷ đồng do có tới 27 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, để chống khai thác IUU và tiến tới phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế chúng ta cần phải triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả tại tất cả các tỉnh ven biển. Mỗi địa phương cần phải tập trung nguồn lực để tổ chức triển khai công tác quản lý tàu cá tại địa phương theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; thực hiện nghiêm túc, có kết quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc khắc phục các bất cập, hạn chế hiện nay.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp các bộ, ngành, địa phương có liên quan để quản lý theo chuỗi đối với hoạt động của tàu cá khi tham gia khai thác thủy sản, thực hiện việc xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác bảo đảm tuân thủ đúng quy định; kiên quyết không dung túng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan vì lợi ích cá nhân làm ăn phi pháp ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của cả nước.
Trước mắt, các tỉnh tập trung cao độ nguồn lực để kiểm soát hoạt động của tàu cá và kiên quyết xác minh, xử phạt triệt để các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 25/5/2023.