Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Nằm trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cùng với những thuận lợi về tiềm năng biển, Quảng Bình cũng là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn đối với đời sống và sản xuất. Vì thế, để thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy Quảng Bình đang tích cực chỉ đạo nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Tỉa thưa cây để hình thành rừng cây gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC ở huyện Lệ Thủy.
Tỉa thưa cây để hình thành rừng cây gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC ở huyện Lệ Thủy.

Chọn hướng đi mới trong nông nghiệp

Dẫn chúng tôi đi thăm vùng nguyên liệu đang lên xanh tốt, đại diện lãnh đạo Công ty Nông nghiệp xanh ở xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, cây cà gai leo, lạc tiên là những loại cây phù hợp với chất đất vùng đồi và điều kiện thời tiết khô hạn; chi phí đầu tư không lớn cho nên nhanh thu hồi vốn. Nhờ biết xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm dược liệu sạch chất lượng cao và mẫu mã đẹp, được thị trường đón nhận. Hiện mỗi năm, một héc-ta dược liệu sau khi trừ chi phí cho thu nhập từ 80-85 triệu đồng, cao hơn nhiều loại cây trồng truyền thống ở địa phương. Đây là thành quả của việc mạnh dạn tìm hướng đi mới cho cây trồng, vật nuôi tại mảnh đất chịu ảnh hưởng do biến đổi thời tiết.

Nhiều năm trước đây, Quảng Bình từng chọn cao-su làm cây trồng chủ lực trên vùng gò đồi và thực tế loại cây công nghiệp này đã giúp nhiều nông dân trong tỉnh làm giàu khi giá mủ cao-su còn ở mức cao. Tỉnh Quảng Bình quy hoạch trồng 30 nghìn héc-ta cao-su vào năm 2020. Thế nhưng, nhiều trận bão liên tiếp các năm 2013, 2017 đã làm gãy đổ gần 10 nghìn héc-ta cây cao-su. Vì thế, tỉnh Quảng Bình đã quyết định chuyển đổi diện tích trồng cao-su sang trồng các loại cây khác hiệu quả và bền vững hơn. Huyện Bố Trạch là địa phương có diện tích cây cao-su lớn nhất tỉnh Quảng Bình. Qua các lần thử nghiệm, nông dân Bố Trạch đã thành công với mô hình trồng các cây dược liệu trên vùng gò đồi thay cho cây cao-su.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy cho biết, việc trồng và chăm sóc cây dược liệu đơn giản, cây sinh trưởng phát triển nhanh. Khi trồng xen với các loại cây dài ngày, người nông dân có cả nguồn thu trước mắt cũng như lâu dài. Để khuyến khích sản xuất, huyện Bố Trạch đưa cây dược liệu vào danh mục ưu tiên phát triển. Hiện, toàn huyện có hơn 150 héc-ta cây dược liệu. Trên địa bàn đã có bốn doanh nghiệp đang đầu tư vùng nguyên liệu và xây dựng cơ sở chế biến dược liệu để cung cấp sản phẩm cho thị trường; đồng thời liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị cây trồng.

Thời gian qua, Tỉnh ủy Quảng Bình tập trung chỉ đạo xây dựng, triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mai Văn Minh, cơ quan đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Ngành nông nghiệp tích cực chỉ đạo ứng dụng các quy trình thâm canh tiên tiến vào sản xuất nhằm hạn chế sử dụng các tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu sự tác động đối với môi trường sinh thái như thực hiện tốt quy trình tưới tiêu khoa học, tiết kiệm để sử dụng hiệu quả các nguồn nước; kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến. Huyện Lệ Thủy là vùng lũ nhưng đồng thời là vựa lúa của tỉnh Quảng Bình. Để ứng phó với thiên tai và tiết kiệm chi phí sản xuất, huyện chỉ đạo nông dân áp dụng phương pháp canh tác cải tiến, tiết kiệm mỗi năm gần 1.000 tấn giống, trong khi đó hiệu quả sản xuất được nâng lên.

Khai thác bền vững thế mạnh từ rừng

Cùng với chủ trương thu hẹp diện tích trồng cao-su để ưu tiên trồng các loại cây có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, trong lĩnh vực trồng rừng kinh tế, tỉnh Quảng Bình cũng hỗ trợ chuyển đổi từ các giống cây keo, tràm giâm hom sang cây keo, tràm nuôi cấy mô và giống cây bản địa có khả năng chống chịu cao với gió bão.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện có gần 2.000 héc-ta rừng là cây bản địa được trồng mới, chủ yếu là các loại cây gỗ như lát, huỵnh, trầm hương, dỗi, lim, vàng tâm, sến, bài lài. Chúng tôi đã có dịp thăm rừng cây bản địa rộng hàng chục héc-ta của người dân ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và khâm phục sự chịu khó, bền bỉ với tình yêu rừng của họ. Điều đó mang lại cho người trồng rừng một gia tài thiên nhiên quý giá. Hơn 30 năm qua, trên quả đồi trọc rộng hơn 17 héc-ta, ông Trương Quốc Đô ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa đã chăm sóc, giữ gìn những cây lim, huỵnh còn sót lại mà nay đã lớn thành rừng và ngày càng phát triển. Đây là cánh rừng lim lớn nhất huyện Minh Hóa, có giá trị hàng tỷ đồng thuộc sở hữu của một cá nhân. Câu chuyện bền bỉ trồng rừng bằng những cây giống bản địa quý của ông Đô được đánh giá là cách làm có hiệu quả cao và điều quan trọng là tăng tính chống chịu bão, lũ và các hình thái thời tiết cực đoan, góp phần bảo vệ cuộc sống người dân. Tương tự, ông Nguyễn Xuân Thiết, ở xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa cũng dày công trồng gần 30 héc-ta rừng, trong đó có 20 héc-ta cây rừng bản địa, gồm: Lim, huỵnh, sến, vàng tâm, dỗi. Ông Thiết có cách làm sáng tạo là trồng keo, tràm rồi bán lấy tiền đầu tư trồng rừng cây bản địa. Hiện nay, cây trong rừng gỗ quý của ông trồng có đường kính hơn 0,3m, trong đó có nhiều gốc từ 0,5-0,7m. Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, Đinh Tiến Dũng cho rằng, mô hình trồng rừng gỗ lớn và rừng cây bản địa của ông Thiết xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn, đây là hướng đi phù hợp, góp phần tái tạo rừng cũng như phát huy giá trị kinh tế cao từ rừng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình, Trần Hải Châu cho biết, trồng rừng đã từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, người dân chủ yếu trồng keo, tràm, phục vụ cho sản xuất giấy và gỗ dăm cho nên giá trị kinh tế còn thấp. Việc bán gỗ rừng trồng cũng gặp nhiều khó khăn do giá cả không ổn định. Vì thế, từ năm 2022, tỉnh đã liên kết, phối hợp với các tổ chức, đơn vị để hỗ trợ người trồng rừng về mặt tài chính, kỹ thuật trong việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC của Hội đồng Quản lý rừng thế giới. Hiện nay, các hội chủ rừng phát triển bền vững cấp huyện được thành lập và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Chứng chỉ FSC không chỉ giúp phát triển kinh tế rừng bền vững mà còn được xem như "hộ chiếu" giúp gỗ rừng trồng của người dân xuất khẩu ra nước ngoài.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Quảng Bình xác định trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại và đổi mới mô hình phát triển theo hướng sinh thái, đặc hữu có khả năng chống chịu cao với thời tiết cực đoan, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ địa phương trong áp dụng khoa học công nghiệp vào sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp, lâm nghiệp; sớm xây dựng cơ chế liên kết, phối hợp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương trong vùng và ngoài vùng để tạo đột phá khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26-NQ/TW.