Trao đổi về cách làm cụ thể hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP của Điện Biên, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Điện Biên, cho biết: Kết quả đánh giá, công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP mang thương hiệu Điện Biên là quan trọng, song để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, để các chủ thể yên tâm sản xuất, cần quảng bá, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm. Bởi chỉ khi có chỗ đứng trên thị trường thì sản phẩm OCOP mới đem lại hiệu quả bền vững cho sản xuất nông - lâm nghiệp, dịch vụ.
Theo hướng đó, thời gian qua tuy ảnh hưởng rất nhiều do dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, song mỗi thành viên Văn phòng Điều phối NTM, Sở Công thương tỉnh Điện Biên vẫn không ngừng tìm kiếm thị trường, thông tin thị trường để hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP. Nói về hoạt động của Văn phòng NTM trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm: Ngay sau khi đợt dịch lần một lắng xuống, Văn phòng đã mời Văn phòng Điều phối NTM Quảng Ninh cùng đại diện một số nhà bán lẻ ở Quảng Ninh về Điện Biên tham quan các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP; đồng thời ký biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối, tiêu thụ sản phẩm với tỉnh Quảng Ninh. Tiếp theo, Văn phòng cử đoàn công tác tham gia Hội thảo kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm chương trình OCOP các tỉnh miền núi phía bắc, tại Hà Nội vào cuối tháng 7. Tại hội nghị này, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Điện Biên tham gia bốn gian hàng trưng bày, giới thiệu 26 sản phẩm OCOP của Điện Biên, như: Cà-phê bột Hồng Kỳ, chè Shan tuyết Tủa Chùa, cà-phê Mường Ảng, mật ong Điện Biên, cà-phê pha phin Arabica Mường Ảng - Điện Biên, cà-phê phin giấy Mon black coffee drip bag, cà-phê túi nhúng Smile single bar coffee và các sản phẩm gạo Điện Biên... Cũng trong chương trình hội nghị, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Điện Biên đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tiêu thụ sản phẩm OCOP với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam. Ngay khi hoàn thành các chuyến công tác đó, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh lại về từng địa phương, gặp gỡ từng chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP để nắm rõ thực trạng, khả năng sản xuất của các đơn vị rồi khớp nối để các chủ thể ký hợp đồng với các nhà bán lẻ.
Với Sở Công thương Điện Biên - đơn vị được UBND tỉnh Điện Biên giao kinh phí, nhiệm vụ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP hiện cũng triển khai đồng thời hai hình thức, gồm: Kênh bán hàng truyền thống và thương mại điện tử. Song do ảnh hưởng dịch Covid-19 cho nên từ đầu năm đến nay Sở mới triển khai hỗ trợ thương mại cho sản phẩm OCOP qua kênh bán hàng truyền thống nội tỉnh; kế hoạch tham gia hội chợ thương mại ngoại tỉnh: Đà Nẵng, Thái Nguyên, Hải Phòng, Lào Cai đang phải tạm dừng. Ông Trịnh Huy Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương Điện Biên), cho biết: Thương mại điện tử sẽ là hình thức chủ lực kết nối thương mại cho sản phẩm OCOP. Sở đã phối hợp Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) tổ chức một lớp đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nghiệp, hợp tác xã về lĩnh vực thương mại điện tử; hỗ trợ năm chủ thể đã có sản phẩm đạt chuẩn OCOP: Hợp tác xã ong mật Điện Biên; Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (huyện Điện Biên); Hợp tác xã H’Mông (huyện Tủa Chùa); Hợp tác xã Suối Voi huyện Mường Nhé; Công ty TNHH Phương Chung Điện Biên đào tạo, tập huấn phần mềm bán hàng online bằng phương tiện tiếp thị đa kênh.
Cũng là đơn vị được Sở Công thương Điện Biên hỗ trợ tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, chị Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh, cho biết: Cuối năm 2019, công ty chúng tôi có ba sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, là: Diệp Thanh trà - Trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa, Diệp Thanh trà - Trà xanh Shan tuyết Sính Phình, Diệp Thanh trà - Bạch trà mẫu đơn Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa, đều được xếp hạng 3 sao. Sau khi có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP của địa phương, công ty được các cơ quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tỉnh Điện Biên, UBND huyện Tủa Chùa hết sức tạo điều kiện cho tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại hội chợ ở tỉnh và một số tỉnh bạn, đến nay sản phẩm của công ty đã thâm nhập một số thị trường lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh) và nhận nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Sau các hội chợ xúc tiến thương mại ở các địa phương, lượng hàng xuất bán của công ty tăng rõ rệt do vậy dù chưa hết năm 2020 nhưng công ty đã lên kế hoạch mở rộng địa bàn hợp tác sản xuất vùng nguyên liệu với bà con dân tộc H’Mông ở bốn xã phía bắc huyện Tủa Chùa, gồm: Sính Phình, Tả Sìn Thàng, Sín Chải, Tả Phình. “Với giá thu mua 60 nghìn đồng/kg búp chè Shan tuyết cổ thụ (tươi) và 15 nghìn đồng/kg búp tươi chè Shan tuyết cổ thụ cây thấp thì bà con dân tộc H’Mông có thêm nguồn thu ổn định từ chè. Người dân rất phấn khởi, yên tâm trồng mới, chăm sóc chè đã ký liên kết sản xuất vùng nguyên liệu với công ty” - ông Lầu A Sinh, Trưởng nhóm liên kết sản xuất chè ở xã Sính Phình nói.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Điện Biên Bùi Minh Hải đánh giá: Các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ thương mại đã góp phần quan trọng mang lại cơ hội thúc đẩy sản xuất bền vững; hợp tác kinh doanh giữa các chủ thể để sản xuất sản phẩm đặc sản vùng miền đạt chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng đúng như mục tiêu Chương trình OCOP đề ra.