Nhớ mãi một bài báo

Tác giả bài báo tặng các bạn Liên Xô (trước đây) bức tranh sơn mài Việt Nam.
Tác giả bài báo tặng các bạn Liên Xô (trước đây) bức tranh sơn mài Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Liên Xô (23-2-1918 - 23-2-1988), trên tờ báo Người thợ mỏ Lê-nin, Cơ quan ngôn luận của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố Lê-nin-xcơ - Cu-dơ-nhét-xki đã đăng bài viết của tôi, thay mặt các công dân Việt Nam đang học tập và làm việc ở đây, với nhan đề Những chiến sĩ Ma-trô-xốp của Việt Nam. Nội dung bài viết đó xin tóm lược như sau: "...Trong những năm tháng khốc liệt của cuộc Chiến tranh Ái quốc vĩ đại chống quân xâm lược phát-xít Ðức, nhân dân Liên Xô đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao cả. Chiến công bất tử của người đoàn viên thanh niên cộng sản A-lê-xan-đrơ Ma-trô-xốp là một trong những minh chứng hùng hồn đó. Ngày 23-2-1943, trong trận huyết chiến giành giật từng tấc đất ở ngôi làng Trê-rơ-nu-ska, Ma-trô-xốp đã lao lên dùng thân mình lấp lỗ châu mai bịt hỏa lực địch cho đồng đội xông lên tiêu diệt quân thù...".

Trong những năm tháng hào hùng đó không chỉ một Ma-trô-xốp mà còn biết bao tấm gương anh dũng trung liệt như anh đã góp phần cho chiến thắng lịch sử vĩ đại của nhân dân Liên Xô... Ðặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Việt Nam cũng đã có những người con anh hùng như Ma-trô-xốp...

Ngày 17-12-1950 trong chiến dịch Biên giới, một lô cốt địch có hỏa lực mạnh đã gây nhiều thương vong cho các chiến sĩ bộ đội Việt Nam. Bị thương ở đầu gối, chiến sĩ Trần Cừ đã cố chịu đau, xông lên ném quả lựu đạn cuối cùng vào quân địch rồi lấy thân mình lấp lỗ châu mai để bịt hỏa lực địch, tạo thuận lợi cho đồng đội xông lên diệt địch.

Rồi bốn năm sau, trong trận Ðiện Biên Phủ, chiến sĩ Phan Ðình Giót đã lặp lại hành động anh hùng quả cảm đó, góp phần vào chiến thắng của trận "Ðiện Biên vang dội chấn động địa cầu" nổi tiếng trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam... Chúng tôi, những nam nữ thanh niên Việt Nam đang học tập và làm việc tại đây rất khâm phục những hành động quên mình của các tấm gương lẫm liệt đó, nguyện noi họ để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình...".

Bài được đăng trên số báo ra ngày 23-2-1988 thì tối ngày đó tôi nhận được điện thoại của bà An-na Páp-lô-va, hiệu trưởng một trường học của thành phố này. Trong cuộc điện đàm, bà nói rằng bà đã đọc bài báo Những chiến sĩ Ma-trô-xốp của Việt Nam của tôi, cảm ơn tôi đã viết bài báo và đề nghị tôi với nội dung: tới trường bà kể chuyện cho các em học sinh về "những người anh em Ma-trô-xốp Việt Nam" và những gương anh hùng khác trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Ngày "báo cáo" là thứ bảy tới.

Nhận được lời đề nghị, tôi liền họp số cán bộ trong đơn vị bàn kế hoạch. Tất cả đều phấn chấn, vì đây là một dịp rất tốt để giới thiệu đất nước ta, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Suốt ngày hôm đó tôi đã suy ngẫm, ôn luyện, chuẩn bị khá đầy đủ và có bài bản cho buổi nói chuyện của mình. Tôi đã ghi ra một "dàn bài" khá chi tiết, đầy đủ và súc tích. Tôi còn mời một số anh chị em trong đơn vị cùng đi, lại còn mang theo cả quà kỷ niệm cho nhà trường.

Sáng thứ bảy ấy, vừa ra trước cửa ký túc xá thì đã có hai thầy cô giáo đón chúng tôi. Vào tới sân trường thì đã có một "hàng rào danh dự" đón khách trong tiếng nhạc kèn và trống hành khúc - là nghi lễ truyền thống đón khách của các trường phổ thông ở Liên Xô thời Liên bang Xô-viết. Các em ăn mặc đồng phục chỉnh tề, đầu đội mũ ca-lô trắng có viền vàng sao đỏ, cổ quàng khăn đỏ và huy hiệu măng non trên ngực áo.

Bà An-na Páp-lô-va cùng các thầy giáo, cô giáo tươi cười ra đón chúng tôi vào hội trường. Cả gần nghìn học sinh vang lên tràng vỗ tay chào đón khách. Hai em nam nữ học sinh tới chào chúng tôi rồi quàng khăn đỏ lên cổ, cài huy hiệu lên ngực chúng tôi - một nghi lễ trang trọng đón khách tới thăm trường.

Khi cả hội trường đã an tọa, bà hiệu trưởng bước lên bục, nói, đại ý: Ðây là những người con của đất nước Việt Nam anh hùng đang học tập và làm việc ở thành phố chúng ta. Họ đã viết bài Những chiến sĩ Ma-trô-xốp của Việt Nam trên báo mà hôm kia chúng ta đã được đọc. Hôm nay vị trưởng đoàn sẽ kể chuyện cho chúng ta nghe về đất nước, con người và những chiến sĩ Ma-trô-xốp Việt Nam... Xin mời đồng chí lên bục...".

Hơn một tiếng đồng hồ tôi đã kể bằng tiếng Nga về những gì tôi đã chuẩn bị sẵn khá công phu ở nhà. Tôi còn dùng phấn vẽ lên tấm bảng lớn bản đồ của Việt Nam, giải thích cho họ vị trí, hình dáng đất nước, các dân tộc của nước ta... Tôi đã nói khái quát qua lịch sử đất nước từ mới khai thiên lập địa, các trận thắng lịch sử chống quân ngoại xâm qua các triều đại. Phần lớn nhất và chủ yếu là nói về "hai cuộc kháng chiến đánh thắng hai đế quốc to", về Bác Hồ, về các anh hùng liệt sĩ tiêu biểu của dân tộc. Ðặc biệt là kể lại đầy đủ hai tấm gương oanh liệt Trần Cừ và Phan Ðình Giót đã được đăng lên báo. Khi tôi vừa nói hết câu: "Chúng tôi đã có những người anh em Ma-trô-xốp của Việt Nam như thế" thì cả hội trường vang lên tràng pháo tay giòn giã.

Cuối bài nói chuyện, tôi đã thay mặt đơn vị tặng nhà trường một bức tranh sơn mài về phong cảnh của đất nước Việt Nam.

...Tới nay là đã 20 năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in những ngày học tập và làm việc trên đất nước Liên bang Xô-viết, vẫn còn nhiều kỷ niệm sâu sắc đáng nhớ với quê hương Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.