Quốc hội thông qua Nghị quyết thực thi phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA

NDO -

NDĐT- Sáng 18-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVIPA).

Quốc hội thông qua Nghị quyết thực thi phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA

Nghị quyết được Quốc hội thông qua với 95,03% đại biểu tán thành. Nghị quyết này quy định việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết chung thẩm về nghĩa vụ tài chính do cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư ban hành theo quy định của Hiệp định EVIPA, được ký ngày 30-6-2019 tại Hà Nội.

Tại chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XIV ngày 8-6, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết đã phối hợp các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Tính đến ngày 16-6, UBTVQH đã nhận được 411 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Trong đó, có 404 ý kiến tán thành toàn bộ dự thảo, có 7 ý kiến góp ý trực tiếp về nội dung và kỹ thuật văn bản. Đa số ý kiến thống nhất cho rằng, cùng với việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định này là hết sức cần thiết, thể hiện quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định, đồng thời, tăng cường sự tin cậy và thúc đẩy các nước thành viên Liên minh châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định.

Phán quyết được ban hành trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc trong một thời gian dài hơn theo quyết định của Ủy ban thành lập theo Điều 4.1 của Hiệp định. Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài phù hợp với Công ước về công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài, làm tại New York, ngày 10-6-1958 để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận Phán quyết đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phán quyết được ban hành sau thời hạn quy định đối với bị đơn là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận, cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.

Kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Phán quyết được ban hành đối với bị đơn là Liên minh Châu Âu hoặc nước thành viên Liên minh Châu Âu được công nhận như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nơi người phải thi hành Phán quyết có tài sản ra quyết định công nhận, cho thi hành Phán quyết trên lãnh thổ Việt Nam khi người được thi hành Phán quyết có đơn yêu cầu.