Nhạc sĩ Yphon K'Sor:

Hát giữa mọi người không ngại ngần

Yphon bảo: "Nhạc mình viết cho cha mẹ mình, cho người dân Tây Nguyên, ai ưng cái bụng thì hát".

Yphon không phải con nhà nòi âm nhạc, nhưng cha của anh - một trong hai nghệ nhân chơi chiêng và trống vỗ giỏi nhất ở Ea Hleo (Đác Lắc).

Học xong trung cấp âm nhạc ở Đác Lắc, Yphon về Đoàn Ca múa của tỉnh, chính ở đó mà tác phẩm đầu tay Chim phí bay về cội nguồn của anh ra đời ngay lập tức nó đã được các thầy Cát Vận, Nguyễn Cường đánh giá rất cao. Trong nhạc Yphon có cái mênh mang của cao nguyên đại ngàn và những khát khao được đứng thẳng, được lên cao và được nhìn thật xa của người Ê Đê quê anh.

"Với người Ê Đê theo mẫu hệ của chúng tôi, mặt trời là nữ thần, và mặt trời cũng là người mẹ. Bởi vậy khi tôi viết Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời là tôi viết cho mẹ của mình" - Yphon kể lại. Hồi ấy, năm 1992, đang đi biểu diễn với Đoàn Ca múa Đác Lắc thì được tin mẹ ốm, anh vội về nhà, đến nhà mới hay tin mẹ đã đi vào rẫy.

Tháng tư mùa đốt rừng, những con đường bụi đỏ cuốn lên cùng với khói, một mình Yphon đi tìm mẹ, và ý nhạc cứ thế nảy ra như có ai đọc sẵn trong đầu: Một mình lang thang, trên đất này, theo dấu chân cha ông từng ngày / Một mình qua sông, qua núi đồi, tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời... Qua đoạn đường dài gần chục cây số vào đến rẫy, nhìn thấy mẹ đang khỏe mạnh, gặp Yphon, mẹ cười, lời nhạc bỗng vút lên sáng bừng: Hát giữa mọi người, không ngại ngần, lời hát nữ thần mặt trời, nữ thần mặt trời của tôi... Điều đó như lý giải vì sao mà mỗi khi ca khúc này được hát lên, những người mẹ Ê Đê lại kéo tay áo thô thấm nhẹ vào khóe mắt.

Yphon sáng tác không nhiều, mà cũng mới chỉ công bố một phần nhỏ ca khúc của mình. Hỏi tại sao, anh bảo: Tôi sợ. Sợ người ta không hiểu được ý mình, rồi đối xử bất công với ca khúc của mình, đau lòng lắm.

Anh viết Đôi chân trần trong một lần đi công tác đến huyện Krông Ana. Buổi chiều trên đường về, trong cái nắng cao nguyên xiên xiên, một ông cụ già vai đeo gùi, tay lấm lem muội than, và đôi chân trần với từng ngón toè ra khó nhọc bấm vào con đường leo lên dốc đã khiến Yphon nhớ tới cha mình. Nỗi ám ảnh khiến tối đó trở về nhà, Yphon không thể nào ngủ được. Anh cầm đàn và viết những lời đầu tiên: "Tôi muốn quên đi, tháng với ngày, cha đi lượm từng quả ngọt rừng cho con ngủ qua đêm. Tôi muốn quên đi, đôi chân trần, cha đi lượm từng hạt thóc, cho con bữa cơm chiều. Ôi ngày tháng, đôi tay gầy, run run tựa vào hàng cây...". Đặt bút viết ca khúc đến đâu, nước mắt trên má Yphon lăn dài đến đó. Và chỉ trong một đêm, ca khúc được xếp vào loại hay bậc nhất về hình ảnh người cha Tây Nguyên đã ra đời.

Theo lời kêu gọi của nhạc sĩ An Thuyên, Yphon ra Hà Nội học chuyên ngành sáng tác ở Trường Cao đẳng Văn hóa - nghệ thuật quân đội. 44 tuổi mới lần đầu nếm cuộc sống của sinh viên xa nhà, Yphon bảo có học vẫn hơn vì từ trước tới nay mình viết nhạc như cái cây trong rừng, có gió, có nắng là cứ thế lớn lên thôi. Và dù phải rời xa Tây Nguyên một thời gian, Yphon vẫn vui lắm.

Chỉ những lúc ngồi với bạn bè thân, bàn chuyện "âm nhạc", Yphon mới "dám" phàn nàn: "Chẳng hiểu sao các ca sĩ, kể cả các ca sĩ hát nhạc Tây Nguyên nổi tiếng, mỗi khi hát bài hát của mình cứ hay... quên giới thiệu tên tác giả. Không biết mình có điều gì khiến người ta phải e ngại hay không. Nhưng mình thấy cũng chẳng sao, ca sĩ, nhạc sĩ rồi cũng vẫn phải yêu lấy nhau mà sống chứ". Nói rồi Yphon cười, nụ cười trong lành như cái nắng cái gió ở Tây Nguyên quê anh.